Sẽ có khoảng 1 triệu người được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

(Banker.vn) Đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi.
Trợ cấp hưu trí xã hội cho công dân từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu Trợ cấp xã hội được đề xuất tăng lên mức cao nhất là 750 nghìn đồng

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Cụ thể, dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội (từ Điều 27 đến Điều 31). Trong đó quy định: Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Sẽ có khoảng 1 triệu người được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.

Ảnh: TTXVN

Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của Ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của Ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tuy nhiên, số người có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội chỉ hơn 5,1 triệu người, tức khoảng 35% số người nghỉ hưu. Vì vậy, Chính phủ đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, quy định này thể chế hóa một bước chủ trương “điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội” của Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, đồng thời giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo. Như vậy, quy định này nhằm gia tăng đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà không phát sinh tăng nhiều ngân sách nhà nước (ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ bảo hiểm y tế còn trợ cấp hằng tháng do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo từ thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động).

Bên cạnh đó, theo tính toán, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 5 năm với mức tiền lương tháng đóng bình quân như hiện nay nếu người lao động không hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng thì có thể được hưởng trợ cấp hàng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.

Để phù hợp với thực tiễn triển khai trong khuyến khích các địa phương, đảm bảo tính ổn định, không gây xáo trộn cũng như phát sinh tăng nguồn lực thực hiện dự thảo kế thừa quy định việc tổ chức thực hiện như hiện hành: Đối với trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo thì các địa phương tiếp tục thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi; Trợ cấp hàng tháng (Điều 30) do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo thì sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện.

Tại chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã cho biết, trước mắt sẽ giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và phấn đấu từng bước giảm dần đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Mức hưởng giao cho Chính phủ quy định linh hoạt tùy vào tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở các chính sách trên, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; về quy định hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội; về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực Nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương