SCB tiếp tục giải thể 2 phòng giao dịch tại TP.HCM

(Banker.vn) Ngân hàng SCB vừa công bố giải thể 2 phòng giao dịch Phạm Phú Thứ và Lý Thường Kiệt nằm trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, kể từ ngày 3/10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chính thức chấm dứt hoạt động phòng giao dịch Lý Thường Kiệt - Chi nhánh Thống Nhất có địa chỉ tại số 85 và một phần tầng trệt căn nhà số 87 (số mới 450) Lý Thường Kiệt, P.7, quận Tân Bình, TP.HCM.

Cùng với đó, vào ngày 29/9, SCB cũng thông báo chính thức chấm dứt hoạt động phòng giao dịch Phạm Phú Thứ - Chi nhánh Bình Tây có địa chỉ tại số 239 đường Phạm Văn Chí, P.3, quận 6, TP.HCM.

Trong thông báo chấm dứt hoạt động đối với hai phòng giao dịch Phạm Phú Thứ cùng phòng giao dịch Lý Thường Kiệt, SCB khẳng định: "Mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng tại 2 phòng giao dịch này đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác của SCB".

SCB tiếp tục giải thể 2 phòng giao dịch tại TP.HCM
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

Ngoài ra, từ ngày 3/10, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Chi nhánh Tân Bình (SCB Tân Bình) sẽ chính thức chuyển sang hoạt động tại địa chỉ mới ở số 85 và một phần tầng trệt căn nhà số 87 (số mới 450), đường Lý Thường Kiệt, P.7, quận Tân Bình, TP.HCM. Trước khi chuyển sang địa điểm mới, SCB Tân Bình có địa chỉ tại số 341 Cộng Hòa, P.13, quận Tân Bình.

SCB lưu ý, việc SCB Tân Bình chuyển địa điểm hoạt động dựa trên sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM theo Công văn số 2533 ngày 5/9/2023. Đồng thời căn cứ Quyết định số 101 ngày 19/9/2023 của Hội đồng quản trị SCB về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở Chi nhánh Tân Bình.

Trong thời gian gần đây, SCB liên tiếp chấm dứt hoạt động của nhiều phòng giao dịch trên địa bàn TP HCM. Hồi tháng 8, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) Chi nhánh Tân Định chính thức chấm dứt hoạt động phòng giao dịch Thanh Đa trực thuộc chi nhánh từ ngày 25/8.

Tháng 7, SCB chấm dứt hoạt động 6 phòng giao dịch tại TPHCM gồm Phòng giao dịch Minh Khai thuộc chi nhánh Cống Quỳnh, quận 3; Phòng giao dịch An Đông Plaza thuộc chi nhánh Sài Gòn đóng tại Trung tâm Thương mại An Đông Plaza, quận 5; Phòng giao dịch Trần Quang Khải thuộc chi nhánh Tân Định, quận 1; Phòng giao dịch Bàu Cát thuộc chi nhánh Thống Nhất; Phòng giao dịch Nhà Rồng thuộc chi nhánh Sài Gòn; Phòng giao dịch Cô Giang thuộc chi nhánh Cống Quỳnh.

Trong tháng 6, SCB thông báo đóng cửa hoạt động 3 phòng giao dịch, gồm Phòng Giao dịch Hưng Dũng chi nhánh Nghệ An, Phòng Giao dịch Thành Công chi nhánh Hai Bà Trưng (TP Hà Nội); Phòng Giao dịch quận 1, chi nhánh Cống Quỳnh.

Từ tháng 10/2022, sau sự cố rút tiền hàng loạt ở SCB, Ngân hàng Nhà nước đã đưa SCB vào diện "kiểm soát đặc biệt". Việc kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung. Ngân hàng Nhà nước khẳng định các khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có SCB đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp.

Tại diễn biến liên quan, vào ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định thôi chỉ định nhân sự tham gia HĐQT SCB đối với ông Vũ Anh Đức. Theo đó, ông Vũ Anh Đức thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT và được điều động trở lại để đảm nhiệm vị trí quan trọng tại VietinBank.

Thay thế vị trí của ông Đức, NHNN cũng quyết định chỉ định ông Phan Đình Điền thôi đảm nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng thành viên Agribank để chuyển sang nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT SCB kể từ ngày 22/9/2023.

Ông Phan Đình Điền đã công tác trong ngành ngân hàng gần 30 năm, trải qua các vị trí lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo Chi nhánh tới Thành viên Hội đồng thành viên Agribank.

Theo thông tin từ NHNN, sau hơn một năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của NHNN, Bộ, ngành và các cơ quan của TP HCM tích cực triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay, hoạt động của ngân hàng SCB đang dần ổn định, từng bước xử lý khó khăn, vướng mắc và tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu.

Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hút ròng 90.000 tỷ qua kênh tín phiếu, bao giờ dừng lại?

Gần đây, thị trường tài chính Việt Nam ghi nhận tâm điểm đáng chú ý là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quay lại phát ...

Ngân hàng OCB huy động 1.200 tỷ đồng từ trái phiếu

Ngày 29/9, Sở giao dịch chứng khoán TP.Hà Nội (HNX) đã công bố kết quả phát hành trái phiếu của Ngân hàng TMCP Phương Đông ...

"Số phận" các ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện phải tái cơ cấu

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc xử lý các ngân hàng yếu kém thời gian qua ...

Khánh Linh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán