SCB ký kết hợp tác chiến lược với ngân hàng Nhật Bản

(Banker.vn) Ngày 5/2/2021 tại TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã ký kết hợp tác chiến lược với Ngân hàng Kiraboshi (Nhật Bản) thông qua đại diện tại Việt Nam Kiraboshi Business Consulting Vietnam.

Theo biên bản ghi nhớ, hai bên hợp tác trên tinh thần thiện chí, trong đó, SCB phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi chăm sóc các khách hàng cá nhân của Kiraboshi sinh sống, làm việc, du lịch tại Việt Nam. Đồng thời SCB phối hợp với Kiraboshi cung cấp các giải pháp tài chính cho các khách hàng tổ chức, khách hàng doanh nghiệp của Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.

Đại diện của SCB và Kiraboshi cùng nhấn mạnh, việc hợp tác toàn diện của hai bên sẽ phát triển thành một liên minh hợp tác lớn mạnh trong tương lai, hỗ trợ đa dạng các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam. Cả hai sẽ không ngừng mở rộng phạm vi hợp tác, từ phục vụ khách hàng tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam; sang phục vụ các khách hàng doanh nghiệp của các quốc gia khác. Đồng thời sẽ cùng phối hợp xây dựng các giải pháp tài chính toàn diện và phù hợp cho từng khách hàng, cũng như cho từng hệ sinh thái khách hàng của cả hai.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Jeremy Chen – Quyền Tổng Giám đốc SCB, chia sẻ: “Hiện nay, ngày càng nhiều tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam, và họ rất cần sự hỗ trợ tại chỗ về tài chính và tư vấn. Với vị thế là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam về tổng tài sản, SCB chính là sự lựa chọn tối ưu cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản nói chung, và khách hàng của Kiraboshi nói riêng, có nhu cầu phát triển các hoạt động thương mại và đầu tư tại Việt Nam.”

Ông Yamashita Daisuke - Tổng Giám đốc Kiraboshi Business Consulting Vietnam (đại diện tại Việt Nam của Ngân hàng Kiraboshi – Nhật Bản).

Ông Yamashita Daisuke - Tổng Giám đốc Kiraboshi Business Consulting Vietnam - cho biết: “Kiraboshi là một trong các ngân hàng Nhật Bản đầu tiên thành lập công ty tư vấn tại Việt Nam. Trong thời gian tới, SCB sẽ cùng hợp tác cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đa dạng, chuyên nghiệp cho khách hàng Nhật Bản tại Việt Nam với mạng lưới chi nhánh lớn mạnh và đội ngũ nhân viên nhiều kinh nghiệm. Tôi tin rằng SCB có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản nhiều hơn nữa để khám phá các cơ hội kinh doanh khác tại Việt Nam.”

Cả SCB và Kiraboshi đều là mô hình ngân hàng được hợp nhất từ các ngân hàng tiền thân, nên quá trình hình thành, phát triển và văn hóa tổ chức có nhiều nét tương đồng. Đây cũng là một trong những ưu thế cho quá trình hợp tác chiến lược giữa hai bên.

Được biết, hiện nay SCB đã có những bước phát triển khá nhanh và vững chắc với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và lợi nhuận tích cực. Bên cạnh việc nắm bắt cơ hội và khai thác tốt nội lực để phát triển kinh doanh an toàn, hiệu quả, bền vững; SCB đã có những cải cách sâu rộng về cơ cấu tổ chức, quản trị, quản lý rủi ro, nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng thương hiệu SCB.

Vài nét về Ngân hàng Kiraboshi và Tập đoàn Tài chính Tokyo Kiraboshi

Được thành lập vào tháng 10/2014 từ sự sáp nhập của 2 tổ chức: Ngân hàng Tokyo Tomin và Ngân hàng Yachio; và có tên gọi là Tập đoàn Tài chính Tokyo TY.

Tháng 4/2016, Tập đoàn Tài chính Tokyo TY sát nhập thêm Ngân hàng ShinGinko Tokyo.

Tháng 5/2018, Tập đoàn Tài chính Tokyo TY thành lập Ngân hàng Kiraboshi trên cơ sở của 3 ngân hàng: Tokyo Tomin, Yachio và ShinGinko Tokyo. Đồng thời đổi tên thành Tập đoàn Tài chính Tokyo Kiraboshi.

Ngân hàng Kiraboshi có trụ sở chính đặt tại Tokyo và đang hoạt động với 164 chi nhánh tại Nhật Bản.

Tính đến ngày 31/3/2020, Tập đoàn Tài chính Tokyo Kiraboshi có vốn điều lệ đạt 43,7 tỷ Yên (¥), tổng tài sản đạt 5.491 tỷ Yên, tiền gửi khách hàng đạt hơn 4.660 tỷ Yên và dư nợ cho vay đạt hơn 3.769 tỷ Yên.

Tập đoàn Tài chính Tokyo Kiraboshi hiện có 8 công ty thành viên, tập trung phục vụ nhu cầu quản trị tài chính của nhóm khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, với mong muốn đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng thông qua dịch vụ tài chính toàn diện.

Đ.P

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo:
    Bài cùng chuyên mục