Sau vụ việc Ngân hàng SCB, đề nghị đánh giá thực trạng sở hữu chéo

(Banker.vn) Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung đánh giá thực trạng sở hữu chéo hiện nay trong hệ thống ngân hàng, giữa ngân hàng với DN... đặc biệt sau vụ việc Ngân hàng SCB.
Sở hữu chéo trong ngân hàng: Giảm đáng kể Sở hữu chéo ngân hàng: Sóng ngầm đang cuộn? Kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo

Sáng 5/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Sau vụ việc Ngân hàng SCB, đề nghị đánh giá thực trạng sở hữu chéo
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, đầy đủ theo danh mục quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, thời hạn gửi hồ sơ dự án Luật chưa đáp ứng đúng yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, rà soát mở rộng đối tượng để thúc đẩy thị trường mua, bán nợ công khai, minh bạch, phát triển hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng là “các công ty công nghệ tài chính”.

Đồng thời, đề nghị cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng, vì việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro; có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam do giảm khả năng vay trong nước.

Bên cạnh đó, việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan đồng thời với việc thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng; trường hợp vay hợp vốn hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ mất thêm nhiều thời gian, thủ tục hơn do giới hạn cấp tín dụng thu hẹp hơn so với Luật hiện hành; thông lệ quốc tế đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn (khoảng 25%) so với quy định tại dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị trường hợp áp dụng quy định này cần có lộ trình cho các khoản vay và đối tượng đã vay vốn trước ngày Luật có hiệu lực để bảo đảm dòng vốn không bị dừng đột ngột, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá thực trạng tình hình sở hữu chéo hiện nay trong hệ thống ngân hàng, giữa ngân hàng với doanh nghiệp và công ty chứng khoán (đặc biệt sau vụ việc Ngân hàng SCB vừa qua). Từ đó, làm rõ cơ sở đề xuất bổ sung thêm đối tượng người có liên quan là “công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng” hoặc“ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột”…

Đồng thời, làm rõ việc sửa đổi khái niệm “người có liên quan” như tại dự thảo Luật có giải quyết được tình trạng một số trường hợp “thuê”, “nhờ” người không có quan hệ gia đình đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần chi phối tại một tổ chức tín dụng hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng để cung ứng vốn cho các doanh nghiệp sân sau, phục vụ lợi ích cho một nhóm cá nhân hoặc tổ chức, tạo ra rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tín dụng hay không. Cần làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định của pháp luật hay do việc thực thi để đề xuất phù hợp.

Một số ý kiến cho rằng quy định về “người có liên quan” tại dự thảo Luật chưa thống nhất với Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán có thể dẫn đến vướng mắc trong triển khai thực hiện. Ngoài ra, có thể sẽ phát sinh trường hợp người kê khai không biết mình có quan hệ với những người liên quan như con riêng của vợ hoặc chồng; anh, chị, em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha...

Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát hoàn thiện quy định này và các quy định về hạn chế đối với từng đối tượng người có liên quan như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33, khoản 3 Điều 55 của dự thảo Luật... để bảo đảm quyền lợi của người dân trong việc tham gia các hoạt động kinh tế cũng như tránh tình trạng vô tình rơi vào các quy định cấm này. Đồng thời, rà soát để bảo đảm tính thống nhất khi sử dụng cụm từ “Cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em” tại khoản 3 Điều 33, điểm c khoản 2 Điều 50, điểm b khoản 1 Điều 125 của dự thảo Luật.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Theo: Báo Công Thương