Sau thập kỷ dòng vốn Nhật, Hàn, Việt Nam sắp đón vốn FDI khủng từ Mỹ và EU

(Banker.vn) Những thay đổi trong quan hệ quốc tế và địa chính trị có thể dẫn đến sự dịch chuyển dòng vốn FDI lớn. Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi lớn từ xuất khẩu.
Cần lưu ý gì về giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng cao? Từ 01/10, 4 sản phẩm hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải thực hiện CBAM Mặt hàng nào Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới trong tháng 8?

Dòng tiền tỷ USD mới

Báo Hà Tĩnh vừa đưa tin, ngày 28/9, bà Antonia Zahn Weber, Giám đốc điều hành Công ty VFT Industry UG của Đức đã có buổi trao đổi với đoàn công tác cấp cao tỉnh Hà Tĩnh về việc xây dựng nhà máy thép không gỉ tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Theo đó, VFT Industry UG dự kiến xây dựng nhà máy thép không gỉ trên diện tích 250 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến 1,5 tỷ Euro. Công suất sản xuất thép ước đạt 1,1 triệu tấn/năm.

Bà Antonia Zahn Weber cho biết nhiều điều kiện, lợi thế của Hà Tĩnh như giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, bờ biển dài 137km, có cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam Vũng Áng - Sơn Dương (có thể tiếp đón tàu trên 30 vạn tấn)... Đặc biệt, Hà Tĩnh ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn, dự án lớn của thế giới quan tâm, đầu tư.

Đây là tín hiệu tiếp theo của dòng vốn từ Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam. Trước đó tháng 11/2022, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã động thổ dự án xây dựng nhà máy trị giá hơn tỷ USD tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III tại Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đây là dự án đầu tiên có quy mô lớn của Tập đoàn LEGO đầu tư tại Việt Nam, là nhà máy thứ 6 trên toàn thế giới và thứ 2 tại châu Á.

Nhà máy của LEGO tại Bình Dương được giải ngân rất nhanh, đang chuẩn bị nhân sự, lao động để đi vào sản xuất trong nửa cuối năm 2024.

Cơ hội đón dòng vốn Âu-Mỹ ngày càng rõ nét, nhất là sau khi Việt Nam và Mỹ nâng quan hệ hợp tác lên mức chiến lược toàn diện. Chiến tranh thương mại, tiền tệ, công nghệ giữa các cường quốc, xung đột Nga-Ukraine và Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EUVFTA) là động lực khiến các tập đoàn lớn đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Thông tin từ Intel Mỹ cho biết tập đoàn này đã rót thêm 475 triệu USD vào nhà máy tại Việt Nam vào cuối năm qua, nâng tổng mức đầu tư lên 1,5 tỷ USD. Cho đến nay Intel Products Vietnam là nhà máy lớn nhất trong bốn nhà máy về mảng lắp ráp và kiểm định. Hiện nhà máy tại Việt Nam sản xuất một số bộ vi xử lý và thực hiện hơn 50% sản lượng toàn cầu về lắp ráp, kiểm định. Tập đoàn của Mỹ cũng đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Trong khi đó, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam.

Sau thập kỷ dòng vốn Nhật, Hàn, Việt Nam sắp đón vốn FDI khủng từ Mỹ và EU
Dòng vốn đầu tư có chất lượng vào Việt Nam tăng mạnh. (Ảnh: Hòang Hà)

Hồi cuối tháng 3/2023, một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn chưa từng có đã đến Việt Nam. Tổng cộng có đại diện 52 công ty, tập đoàn Mỹ, trong đó có các hãng quốc phòng, dược phẩm, công nghệ… (như Boeing, Bell, UPS…) để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh.

Nhiều tập đoàn quen thuộc đang hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng như Apple, Intel, Coca-Cola và PepsiCo, Netflix...

SpaceX cũng đang tìm kiếm thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Các hãng Pfizer và Johnson & Johnson, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, hãng năng lượng AES, Công ty Tài chính Visa, Ngân hàng Citibank, các hãng công nghệ điện toán đám mây Meta và Amazon Web Services, rồi Google, Walmart… đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Nếu như 10 năm trước, dòng tiền đến từ Nhật, Hàn, Singapore, Trung Quốc… dồn dập vào Việt Nam, thì trong thập kỷ mới dòng vốn lớn có thể sẽ đến từ châu Âu và Mỹ. Giá trị xuất khẩu 1.000 tỷ USD của Việt Nam cũng đã được đề cập tới.

Riêng Nhật và Hàn, cho đến nay số vốn FDI vào Việt Nam lên tới hơn 150 tỷ USD. Vốn FDI từ Mỹ và châu Âu trong tương lai có thể lớn hơn nhiều.

Bên cạnh đó, dòng vốn trên thị trường tài chính cũng sẽ rất sôi động khi thị trường chứng khoán được nâng hạng, có thể ngay trong năm 2024. Hệ thống giao dịch mới KRX (dựa trên công nghệ Hàn Quốc) với công suất lớn hơn và nhiều sản phẩm hơn được đưa vào từ cuối năm 2023. Thay vì những thương vụ vài trăm triệu có thể sẽ là một vài tỷ USD vào các doanh nghiệp trong nước.

Trong báo cáo gần đây của VinaCapital, sự kiện Việt Nam và Mỹ ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện (CPS) sau chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10-11/9 của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đánh dấu cột mốc lịch sử cho quan hệ ngoại giao song phương giữa hai quốc gia.

Theo đó, CPS tạo ra khuôn khổ cho sự hợp tác và cộng tác hơn nữa giữa Việt Nam và Mỹ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, thương mại, khoa học đầu tư, công nghệ, kỹ thuật số, giáo dục, năng lượng…

Trên thực tế, xu hướng chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Không chỉ Intel, Apple… mà nhiều tập đoàn Mỹ và châu Âu khác cũng đã tìm kiếm và mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất ở nhiều khu vực mới, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam.

Đi cùng với các "đại bàng", nhiều tập đoàn khác cũng có xu hướng dịch chuyển theo như Foxconn, Pegatron…

Còn với EU, trong nhiều năm qua, các nước khu vực này có kinh tế phụ thuộc nhiều vào Nga và Trung Quốc, từ khí đốt và năng lượng cho tới nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sự tổn thương đối với các nước châu Âu khi căng thẳng địa chính trị lên cao gần đây có thể khiến EU có những tính toán dài hơi hơn cho tương lai.

Gần đây, những chuyên gia hàng đầu trên thế giới cho rằng, căng thẳng địa chính trị hiện là kẻ thù số một của kinh tế toàn cầu, chứ không phải chủ nghĩa bảo hộ. Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Trường Harvard Kennedy Dani Rodrik cũng đã đưa ra nhận định như vậy trên trang Project Syndicate.

Địa chính trị gần đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất có thể dẫn đến sự lao dốc của một thị trường, hay dẫn tới sự đảo ngược dòng vốn, cũng như những cuộc khủng hoảng tài chính, thanh khoản…

Dòng vốn từ Mỹ và EU có thể chảy vào một số nền kinh tế đang nổi lên. Dòng vốn từ Nhật, Hàn… cũng sẽ tiếp tục tìm các bến đỗ an toàn.

Với EU, Việt Nam có hiệp định tự do thương mại EVFTA, cùng với CPS Việt-Mỹ sẽ là động lực giúp các tập đoàn EU đẩy mạnh dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế và dễ dàng xuất khẩu vào Mỹ.

Trong một báo cáo mới đây của HSBC, tổ chức này cho rằng, bất chấp triển vọng ngắn hạn ảm đạm trong lĩnh vực thương mại, ASEAN vẫn tiếp tục thu hút FDI, đạt thị phần toàn cầu kỷ lục gần 17%.

Cũng theo HSBC, nhiều khoản đầu tư đã được đổ vào chuỗi cung ứng công nghệ và xe điện đang phát triển trong khu vực cũng như hoạt động tài chính. Ngay cả các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang tăng cường đầu tư FDI vào các ngành sản xuất và phân ngành đa dạng hóa của ASEAN. Việt Nam, trong khi đó, là điểm sáng ở khu vực.

Theo Tổng Cục thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2023 ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất 9 tháng của các năm từ 2019 đến nay. Vốn đăng ký đạt hơn 202 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

vietnamnet.vn

Theo: Báo Công Thương