Sau soát xét, Licogi 14 "cứu" được khoản lỗ 210 tỷ đồng

(Banker.vn) Nhờ biến công ty con thành công ty liên kết, Licogi 14 (HNX: L14) đã bớt khoản lỗ 210 tỷ đồng sau soát xét.
Sau soát xét, Licogi 14
CTCP Licogia 14 (mã chứng khoán: L14)

Bất ngờ lớn nhất chính là số lỗ sau thuế nửa đầu năm 2022 còn gần 24 tỷ đồng – trong khi số liệu trên BCTC hợp nhất quý 2/2022 công ty tự lập lại có số lỗ khủng hơn 234 tỷ đồng. Số liệu chênh lệch nhiều do đâu? Tất cả tập trung ở các chỉ tiêu về tài chính như chi phí tài chính và doanh thu tài chính.

Chỉ tiêu “dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh” đã bất ngờ điều chỉnh giảm từ gần 380 tỷ đồng theo số liệu BCTC công ty tự lập về mức gần 63 tỷ đồng theo số liệu trên BCTC soát xét bán niên. Tương ứng chỉ tiêu này đã điều chỉnh giảm khoảng 320 tỷ đồng sau soát xét. Chỉ tiêu này ảnh hưởng trực tiếp đến khoản mục chi phí tài chính khiên chỉ tiêu này điều chỉnh giảm từ 418 tỷ đồng xuống còn 64 tỷ đồng, tương ứng chênh lệch 354 tỷ đồng.

Chỉ tiêu doanh thu hoạt động tài chính cả năm đạt 155 tỷ đồng theo số liệu trên BCTC công ty tự lập trước đó thì đã giảm về còn chưa đến 10 tỷ đồng theo số liệu sau soát xét – tương ứng chênh lệch 146 tỷ đồng. Mà khoản doanh thu tài chính chênh lệch này do Licogi14 ghi nhận lãi đầu tư cổ phiếu 146 tỷ đồng từ quý 1/2022.

Các chỉ tiêu khác trên BCTC soát xét bán niên có điều chỉnh so với số liệu công ty tự công bố trước đó, nhưng mức độ ảnh hưởng không quá lớn.

Kết quả, số liệu trên BCTC công ty tự lập quý II/2022 ghi nhận Licogi 14 lỗ sau thuế 234 tỷ đồng trong khi số liệu công ty tự lập ghi nhận khoản lỗ gần 24 tỷ đồng – tương ứng chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng.

Trước đó ngày 12/8/2022, Licogi 14 ra thông báo thay đổi mô hình công ty và loại báo cáo tài chính trong đó đối với Licogi 14, từ công ty hoạt động theo mô hình “có đơn vị kế toán trực thuộc và công ty con” với loại hình BCTC công bố là BCTC riêng của công ty và BCTC hợp nhất. Sau thay đổi, Licogi 14 trở thành công ty hoạt động theo mô hình “có đơn vị kế toán trực thuộc” và chỉ phải công bố Báo cáo tài chính tổng hợp, có hiệu lực là từ 18/6/2022.

Nguyên nhân là do công ty con của Licogi 14 là CTCP Đầu tư Tài chính Licogi 14 đã phát hành 550.000 cổ phiếu ESOP cho CBCNV, người lao động, nên tỷ lệ sở hữu tại Công ty con thay đổi từ 51% xuống còn 48,57% và trở thành công ty liên kết. LFI sau tăng vốn có vốn điều lệ 115,5 tỷ đồng, trong đó Licogi 14 đầu tư 56,1 tỷ đồng.

Phát hành 4 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021

Mới đây, Công ty CP Licogi 14 đã ra thông báo ngày 10/8 chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/8.

Tỷ lệ thực hiện là 100:15, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới. Với gần 27 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính L14 sẽ phát hành 4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt này.

Liên quan tới cổ phiếu L14, hồi cuối tháng 4, Chứng khoán Techcombank (TCBS) đã phát đi thông báo điều chỉnh giá trần cho vay và giá trần tính tài sản đối với cổ phiếu L14 của Công ty cổ phần Licogi 14.

Cụ thể, căn cứ theo biến động giá của cổ phiếu và đánh giá của TCBS, công ty chứng khoán này quyết định giá trần cho vay là 0 đồng, áp dụng từ 21/4/2022, và giá trần tính tài sản là 0 đồng, áp dụng từ 9/5/2022.

TCBS khuyến nghị khách hàng đối chiếu với danh mục thực tế của mình để kịp thời bổ sung tài sản theo quy định hoặc cơ cấu lại danh mục (nếu cần) để đảm bảo tài khoản không bị rơi vào trạng thái Bán xử lý (Force Sell)/Bổ sung tài sản (Margin Call) tại ngày 9/5/2022. Như vậy, thông báo này đồng nghĩa với việc cổ phiếu L14 sẽ không còn được TCBS cấp margin bắt đầu từ phiên giao dịch 21/4/2022. Trước đó, TCBS cấp margin cho mã L14 với tỷ lệ 50%, giá trần cho vay là 52.000 đồng và giá trần tính tài sản là 52.000 đồng.

Trên thị trường, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/8 cổ phiếu L14 tạm dừng tại mức 120.000 đơn vị/cổ phiếu với khối lượng 162.991 đơn vị.

Đức Chiến

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán