Sầu riêng Việt mới chiếm khoảng 5% thị phần tại thị trường Trung Quốc

(Banker.vn) 90% sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy nhiên, sầu riêng Việt mới chiếm khoảng 5% tổng lượng nhập khẩu của thị trường này.
Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu đến bao nhiêu thị trường? Dự kiến xuất khẩu sầu riêng đến hết tháng 10/2023 thu về xấp xỉ 2 tỷ USD

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, tháng 10/2023 xuất khẩu rau quả ước đạt gần 700 triệu USD, tăng 4,7 % với tháng trước và tăng 126,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung, 10 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,912 tỷ USD tăng 78,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, vượt qua các loại trái cây khác, sầu riêng dự kiến đóng góp hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, tương ứng khoảng 2 tỷ USD.

xuất khẩu sầu riêng
Sầu riêng Việt mới chiếm khoảng 5% thị phần tại thị trường Trung Quốc

Có thể thấy, sau khi ký Nghị định thư, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc bứt phá ngoạn mục. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thông tin - năm 2025, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng trong giai đoạn 2019 - 2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. “90% sầu riêng loại ngon của Việt Nam đã xuất khẩu qua Trung Quốc, tuy nhiên xét theo tổng lượng nhập khẩu của thị trường 1,4 tỷ dân, thị phần của hàng Việt Nam chỉ chiếm 5%, còn lại là hàng Thái Lan, Malaysia”, bà Vũ Kim Hạnh cho biết.

Bà Vũ Kim Hạnh nhận định, ngành sầu riêng Việt Nam vẫn đang tiếp tục hy vọng vào thị trường Trung Quốc. Do vậy, bà mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương siết chặt quản lý mã số vùng trồng, có chế tài mạnh với các trường hợp vi phạm để đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và uy tín của hàng Việt.

Nói về thị trường xuất khẩu, theo các doanh nghiệp trong ngành, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc thời gian qua có sự tăng trưởng mạnh, thế nhưng vẫn còn thấp so với Thái Lan. Đặc biệt, mới đây Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu, cụ thể là tăng độ khô của cơm sầu riêng từ 32% lên 35% và thực hiện giám sát từng lô hàng để đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu đề ra. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho nông dân trồng sầu riêng và doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Ngô Tường Vy – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - đánh giá, động thái trên của Thái Lan là sự khẳng định về vị thế tiêu chuẩn chất lượng mà quốc gia này đã có tại nhiều thị trường xuất khẩu.

Đứng trước cuộc đua “ngôi vương” trên thị trường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy đánh giá sầu riêng Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với nước bạn về hai tiêu chí sản lượng và chất lượng.

Về mặt sản lượng, Việt Nam đang đứng trước thách thức khi nông dân phát triển “nóng” cây sầu riêng, nguy cơ dẫn đến mất cân bằng cung cầu, hoạt động liên kết tiêu thụ sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu so sánh với đất nước Thái Lan, sản lượng sầu riêng của Việt Nam hiện nay vẫn còn ít, dư địa phát triển mặt hàng này vẫn còn.

"Vào cao điểm, các tỉnh trồng sầu riêng quy mô lớn nhất nước như Tiền Giang, Đồng Nai, Đắk Lắk thu hoạch tối đa khoảng 250 container/ngày. Nhưng đối với Thái Lan, việc xuất khẩu 1.000 container sầu riêng sang Trung Quốc là việc rất bình thường trong nhiều năm qua", bà Ngô Tường Vy đưa ra dẫn chứng.

Tuy sản lượng sầu riêng Việt Nam còn thấp so với Thái Lan nhưng bà Ngô Tường Vy đánh giá cao về lợi thế xử lý ra trái nghịch mùa của nông dân trồng sầu riêng Việt Nam. Nếu trước đây, chỉ số ít địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể trồng sầu riêng cho trái nghịch mùa, thì hiện nay sầu riêng có thể trồng được ở những vùng miền trên cả nước.

Đặc biệt, ở những địa phương như Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang…, điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi để phát triển cây sầu riêng, thế nhưng hiện bà con đã có thể trồng và được người tiêu dùng đánh giá cao về mặt chất lượng.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định, dự kiến đến hết tháng 10/2023, xuất khẩu sầu riêng sẽ thu về xấp xỉ 2 tỷ USD. Và khả năng, cả năm nay, xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt khoảng 2,2 – 2,3 tỷ USD.

Nói về lợi thế sầu riêng Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên cho hay, sầu riêng Việt Nam có quanh năm, trong khi Thái Lan chỉ có theo vụ. Bên cạnh đó, chi phí logistics của chúng ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thấp hơn Thái Lan. Chất lượng sầu riêng của Việt Nam cũng rất tốt, do đó, dù chúng ta mới tham gia thị trường sầu riêng nhưng lại đạt được thành quả rất đáng nể.

Giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tục tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu năm 2022 và chắc chắn sẽ vượt con số 2 tỷ USD trong năm 2023. Ông Đặng Phúc Nguyên kỳ vọng, với việc tăng cường chất lượng, cùng với việc được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, và mở cửa thêm nhiều thị trường thì con số xuất khẩu sầu riêng 3,5 tỷ USD trong thời gian tới chúng ta hoàn toàn có thể đạt được.

“Dự báo, trong 15 năm tới, thị trường tiêu thụ sầu riêng vẫn rất tốt. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con tính đến yếu tố bền vững, tăng cường chất lượng về sản phẩm và về giống. Sầu riêng Việt Nam phải sẵn sàng cạnh tranh về số lượng, đồng thời tăng cường về chất lượng để từ đó chiếm ưu thế trên thị trường”, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ và khuyến nghị, các nhà vườn cũng cần chú ý đến vấn đề biến đổi khí hậu, không nên trồng sầu riêng ở những vùng bị nhiễm mặn, chất lượng sầu riêng không tốt, cây chết nửa chừng sẽ gây thiệt thòi cho người trồng.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương