Sau nhiều lần bị HOSE "nhắc nhở", cổ phiếu ITA (Tân Tạo) vào diện cảnh báo từ ngày 6/9

(Banker.vn) Do vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm nên cổ phiếu ITA (Tân Tạo) bị đưa vào diện cảnh báo.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa Quyết định xử lý vi phạm đối với cổ phiếu CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HoSE – Mã: ITA).

Theo đó, từ ngày 6/9, cổ phiếu ITA sẽ bị đưa vào diện cảnh báo do tổ chức niêm yết vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Sau nhiều lần bị HOSE
Nhiều lần bị HOSE "bêu tên", cổ phiếu ITA (Tân Tạo) vào diện cảnh báo từ 6/9.

Trước đó, HoSE đã 3 lần gửi công văn yêu cầu Tân tạo giải trình về thay đổi trên Báo cáo tài chính quý II/2022 ngày 10/8, ngày 16/8 và ngày 19/8. Tuy nhiên, mãi tới ngày 24/8, HoSE mới nhận được công văn của Tân Tạo thực hiện công bố lại Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022.

Tân Tạo cho biết, Báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2022 công bố ngày 29/07/2022 đã trình bày sai chỉ tiêu do hạch toán sai tài khoản giữa phải thu khác và đầu tư khác.

Cụ thể: Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2019, 2020, 2021 và năm 2022 đã thông qua và ủy quyền cho Hội đồng quản trị (Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến – a.k.a Maya Dangelas đại diện) ra các quyết định hợp tác, liên doanh Dự án Khu dược phẩm công nghệ cao và kính thông minh. Khoản ủy thác đầu tư này tính tới 30/6/2022 là 1.335 tỷ đồng phải hạch toán vào đầu tư khác nhưng kế toán hạch toán nhầm vào phải thu khác dẫn đến nợ phải thu của bà Đặng Thị Hoàng Yến tăng, thực chất đây là khoản ủy thác đầu tư theo như Nghị quyết ĐHĐCĐ đã thông qua.

Ngoài ra, Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã thống nhất về việc để bảo vệ lợi ích của các cổ đông từ rủi ro của Dự án điện Kiên Lương do CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) đầu tư, bà Đặng Thị Hoàng Yến đồng ý nhận trách nhiệm chuyển nhượng 20,69% cổ phần ITACO nắm giữ tại TEDC tương đương số tiền 1.655 tỷ đồng. Tính tới 30/06/2022, công tác chuyển nhượng đã hoàn tất, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã thanh toán cho CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo số tiền 1.022 tỷ đồng. Số tiền bà Đặng Thị Hoàng Yến còn phải thanh toán cho CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo là 633 tỷ. Như vậy khoản phải thu bà Đặng Thị Hoàng Yến phát sinh là do khoản chuyển nhượng cổ phần nói trên.

Trước đó, HoSE liên tục yêu cầu công ty Tân Tạo giải trình về việc sửa khoản tiền tạm ứng chuyển cho Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến từ 1.973 tỉ đồng xuống còn 633 tỉ đồng cũng như giải trình chênh lệch trong báo cáo tài chính vì đã điều chỉnh con số tạm ứng này.

HoSE còn yêu cầu công ty này giải trình những thông tin liên quan đến vụ kiện của một công ty và bị yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Chỉ riêng trong tháng 8, HoSE 4 lần có công văn yêu cầu Tân Tạo giải trình thông tin trong vòng 24 giờ. Dù có giải trình về kết quả chênh lệch trong báo cáo tài chính nhưng HoSE vẫn cho rằng, cổ phiếu ITA của Tân Tạo cần được cảnh báo để nhà đầu tư lường được rủi ro...

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ITA sau khi điều chỉnh mạnh từ mức gần 19.000 đồng/cp thị giá hồi đầu năm 2022 về rơi mạnh về gần mức 7.000 đồng hồi đầu tháng 7 trước khi nhích nhẹ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/8, cổ phiếu ITA đang đứng tại mức 7.860 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt hơn 5,4 triệu đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu ITA thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)
Diễn biến giá cổ phiếu ITA thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Bất ngờ báo lãi "tăng vọt"

Tân Tạo vừa công bố báo cáo tài chính quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, trong quý II, doanh thu thuần doanh nghiệp đạt 309,7 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cũng tăng 125%, dẫn đến lợi nhuận gộp Công ty đạt 146,6 tỷ đồng, tăng 103%.

Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của Tân Tạo ghi nhận tăng từ gần 762,6 triệu đồng, lên hơn 10,2 tỷ đồng, tương đương gấp 13,3 lần nhờ thanh toán các khoản đầu tư.

Về các chi phí, trong quý II, ITA được hoàn nhập 1,2 tỷ đồng chi phí tài chính, nhờ hoàn nhập chi phí lãi vay và dự phòng đầu tư tài chính dài hạn. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm 62%, còn chi phí bán hàng tăng 42%. Kết quả, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 117,6 tỷ đồng, gấp 5,9 lần so với quý II/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ITA ghi nhận doanh thu thuần đạt 373,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 134 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 16% và 77% so với cùng kỳ năm 2021. Công ty cho biết nguyên nhân giúp lợi nhuận trong kỳ tăng là do doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tăng nên doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản doanh nghiệp đạt hơn 13.246,3 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm hơn 10%, xuống còn hơn 20 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn lại tăng 103%, lên hơn 3.945,6 tỷ đồng. Nợ phải trả cũng giảm 7% đưa tổng nợ xuống còn 2.084,1 tỷ đồng.

Hàng loạt sai phạm tại KCN Tân Tạo

Trong quá khứ, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) đã có nhiều sai phạm tại KCN Tân Tạo hiện hữu (hơn 161 ha) và KCN Tân Tạo mở rộng (gần 183 ha) theo kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 6/7/2021.

Tại KCN Tân Tạo hiện hữu, Tân Tạo đã ký hợp đồng cho một số ngân hàng thuê lại đất như: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh Tây Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), công ty Cho thuê Tài chính II Nam Sài Gòn không đúng theo quy hoạch được duyệt.

Đồng thời, Ban Quản lý KCN đã đồng ý điều chỉnh quy hoạch không đúng thẩm quyền với tổng diện tích 95.774 m2 tại các khu đất đã được quy hoạch để xây dựng với mục đích khác (nhà máy xử lý nước thải , bãi rác công nghiệp, bể nước ngầm,... ); thuê đất để xây dựng công trình công nghiệp nhưng cho thuê lại hoặc đầu tư xây dựng công trình không đúng mục đích được quy hoạch, thu lợi bất hợp pháp hơn 98 tỷ đồng và và 233.819 USD.

Thanh tra Chính phủ cho biết, Tân Tạo tự ý chia tách một số khu đất đã quy hoạch để xây dựng không đúng mục đích hoặc cho các doanh nghiệp khác thuê lại (tại các khu đất đã quy hoạch trồng cây xanh, kho tàng, bến bãi,...) với tổng diện tích 10.446 m2, thu lợi bất hợp pháp gần 9,6 tỷ đồng, gây lãng phí, thất thoát tài nguyên và tài sản của nhà nước.

Ban Quản lý KCN cấp phép xây dựng vượt so với quy hoạch: CTCP S.P.M vượt hai tầng, CTCP Khai thác và Phát triển Kho vận Tân Tạo vượt hai tầng, Công ty TNHH Việt Nam Paiho vượt 4 tầng.

Ngoài ra, Ban Quản lý KCN chưa có kế hoạch phòng ngừa sự cố môi trường và việc quản lý môi trường chưa đảm bảo theo yêu cầu.

Còn tại KCN Tân Tạo mở rộng, Ban Quản lý KCN đã cho 93 nhà đầu tư thuê lại đất và đã thu về tổng số tiền gần 1.042 tỷ đồng và hơn 5,8 triệu USD trong giai đoạn trước ngày 1/7/2014 nhưng đến nay chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Ban quản lý cho 5 nhà đầu tư thuê lại đất (CTCP Dược DANAPHA, Công ty TNHH Dây sợi Rồng Á Châu, Công ty TNHH S.T.D & S, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Mỹ phẩm Đăng Dương, Công ty TNHH Sản xuất TM XNK Tạ Minh Quang ) trong giai đoạn từ 1/7/2014 đến thời điểm tháng 9/2017 với hình thức thu tiền một lần hơn 142 tỷ đồng, vi phạm quy định chỉ được cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.

Kết luận của thanh tra cũng chỉ ra rằng, Tân Tạo chưa lập và trình đề án tổng thể về phát triển các công trình kết cấu hạ tầng; chưa báo cáo về nhu cầu phát triển các công trình kết cấu hạ tầng ngoài Khu công nghiệp mở rộng.

Cùng với đó, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giảm từ 27,09 ha xuống còn 21,21 ha. Trong đó, đất kho bãi từ 2,8 ha xuống còn 1,24 ha (giảm 3,67 ha), đất xây dựng công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật từ 2,9 ha xuống còn 2,2 ha (giảm 0,7 ha); Phê duyệt bổ sung 10,55 ha làm trung tâm đào tạo nghề, phê duyệt tách 7.332 m2 đất quy hoạch công nghiệp để phục vụ dự án kinh doanh bãi đậu xe khi chưa có ý kiến của Bộ Xây dựng là vi phạm quy định tại Nghị định số 29 ngày 14/3/2008 của Chính phủ.

Ngoài ra, Tân Tạo vi phạm quy hoạch, không thực hiện trồng cây xanh đảm bảo theo quy định và quy hoạch được phê duyệt tại KCN Tân Tạo (3,13 ha) và KCN Tân Tạo mở rộng (7,15 ha).

Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP.HCM có biện pháp giải quyết và xử lý đối với các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp có vi phạm, truy thu tiền sử dụng đất và thu hồi các khoản thu không hợp pháp.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu chủ đầu tư sớm khắc phục các sai phạm, nhất là sai phạm liên quan đến sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình không đúng quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, chưa trồng cây trên đất trồng cây xanh theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Doanh nghiệp “họ” Louis kinh doanh ra sao sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt?

Sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt do thao túng thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Louis Holdings đã ...

ITA chính thức "thanh minh" về khoản tiền nghìn tỷ cho bà Đặng Thị Hoàng Yến vay

Sau nửa tháng "im lặng", CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) đã giải trình về việc điều chỉnh BCTC hợp nhất quý ...

Tổ chức thành công hội thảo chuyên đề "Đầu tư chứng khoán và cân bằng những rủi ro"

Ngày 26/8/2022, Văn phòng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP HCM đã phối hợp với Công ty Quản lý Quỹ Vinacapital tổ chức ...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán