Sau ngày 15/6, rút giấy phép doanh nghiệp kinh doanh vàng không xuất hóa đơn điện tử

(Banker.vn) Theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, sau ngày 15/6, doanh nghiệp kinh doanh vàng không sử dụng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế sẽ bị rút giấy phép.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối cơ quan thuế để thị trường vàng minh bạch Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp không thực hiện hóa đơn điện tử trong kinh doanh vàng sẽ bị tước giấy phép

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024. Trong đó, liên quan đến việc triển khai hóa đơn diện tử, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua, bán vàng. Hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/6.

“Quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử; kiên quyết rút, thu hồi ngay giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng” - Nghị quyết của Chính phủ nếu rõ.

Trong việc quản lý thị trường vàng, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính đẩy mạnh chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế. Nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…

Sau ngày 15/6, rút giấy phép doanh nghiệp kinh doanh vàng không xuất hóa đơn điện tử
Sau ngày 15/6, doanh nghiệp kinh doanh vàng không sử dụng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế sẽ bị rút giấy phép

Trong hoạt động điều hành giá, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị liên quan nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, giá cả. Nhất là đối với các mặt hàng xăng, dầu, hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm. Đồng thời, nhấn mạnh cần chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý, không tăng giá đột ngột, cùng một thời điểm, hạn chế tác động lên lạm phát, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Với Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ giao cơ quan này điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án và phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả hơn. Chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 - 2%.

“Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội” - Chính phủ yêu cầu.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phải khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay...

Bộ Xây dựng được giao quyết liệt thúc đẩy tiến độ triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Thường xuyên giám sát, đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội năm 2024 được giao.

“Chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan liên quan đánh giá tổng thể, toàn diện, đầy đủ các chính sách, chương trình hỗ trợ về nhà ở hiện hành để hoàn thiện các chính sách phù hợp với mục tiêu, đối tượng, sát thực tiễn, đặc trưng, đặc điểm kinh tế - xã hội của các vùng, miền” - Nghị quyết nêu rõ.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục