Sau năm 'bội thu', doanh nghiệp phân bón cẩn trọng 'cài số lùi' kế hoạch kinh doanh

(Banker.vn) Sau một năm gặt hái nhiều thành tựu rực rỡ, sang năm 2023, nhiều doanh nghiệp phân bón thận trọng lên kế hoạch kinh doanh do lo ngại nhiều yếu tố bất lợi.

Toàn cảnh ngành hàng không năm 2022: 'Kẻ khóc, người cười'

Một năm 'bội thu'

Năm 2022, trái ngược với những biến động của nền kinh tế, nhiều nhóm ngành tăng trưởng âm thì lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón lại gặt hái những thành tựu rực rỡ.

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu phân bón năm 2022 chính thức cán mốc 1 tỷ USD, ước đạt hơn 1,6 triệu tấn, tăng 34% về lượng và gấp gần 2,2 lần về giá trị so với cùng kỳ. Trong giai đoạn đầu năm, xuất khẩu phân bón thuận lợi do xung đột Nga – Ukraine đẩy giá lên cao, các quốc gia nhanh chóng tìm mua hàng hóa chuẩn bị cho vụ mùa. Trong năm vừa qua, giá DAP có thời điểm lên đến 1.000 USD một tấn, đạm urê đạt đỉnh 900 USD mỗi tấn tại khu vực châu Á.

Việc xuất khẩu thuận lợi cùng với giá bán cao là lực đẩy giúp các doanh nghiệp lĩnh vực phân bón đạt mức tăng trưởng ấn tượng lợi nhuận. Chẳng hạn Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) tiếp tục phá kỷ lục vừa lập năm 2021, gặt hái 14.444 tỷ đồng doanh thu thuần và 6.040 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; lần lượt tăng trưởng 51% và 2,4 lần so với năm 2021.

So với kế hoạch, DGC vượt 19% về doanh thu và 73% về lợi nhuận. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.032 tỷ đồng trong quý IV/2022, đánh dấu quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận vượt trên mốc ngàn tỷ.

Tương tự, Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (HOSE: DPM) cũng lập kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 18.627 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 5.606 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và 77% so với thực hiện năm 2021. Với kết quả này, DPM đã vượt 9% chỉ tiêu doanh thu và vượt 61% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) cũng trong niềm vui chung khi đem về 15.924 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.280 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 61% và 2,3 lần so với thực hiện năm 2021.

Vào tháng 12/2022, DCM đã điều chỉnh chỉ tiêu tổng doanh thu năm 2022 tăng 60% lên 14.525 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gấp 7 lần kế hoạch cũ lên 3.661 tỷ đồng. So với chỉ tiêu mới, công ty đã vượt 10% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận.

Có thể thấy điểm chung trong sự tăng trưởng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp phân bón chủ yếu đến từ 3 quý đầu năm và có dấu hiệu “hạ nhiệt” quý cuối năm. Đơn cử DPM, quý IV/2022, doanh thu thuần đạt 3.900 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.147 tỷ đồng, giảm 31%.

Cùng cảnh ngộ, tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2022 của DCM đã có bước lùi so với cùng kỳ năm trước. Ba tháng cuối năm, doanh tăng 14% so với cùng kỳ lên 4.458 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lại giảm 9% xuống 1.001 tỷ đồng.

doanh nghiệp phân bón kế hoạch kinh doanh
Sau một năm gặt hái nhiều thành tựu rực rỡ, sang năm 2023, nhiều doanh nghiệp phân bón thận trọng lên kế hoạch kinh doanh do lo ngại nhiều yếu tố bất lợi. Ảnh minh hoạ

Dù giảm tốc, song những doanh nghiệp kể trên còn có lãi. Đáng buồn, có những doanh nghiệp ngậm ngùi chịu lỗ trong quý IV vừa qua.

Ba doanh nghiệp báo lỗ trong quý cuối năm gồm Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (HNX: PCE) (lỗ 2 tỷ), Công ty CP Phân Bón và Hóa Chất Dầu khí Đông Nam Bộ (HNX: PSE) (lỗ 7 tỷ) và Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Bắc (HNX: PMB) (lỗ 8 tỷ đồng). Điểm chung các đơn vị này là doanh thu giảm so với cùng kỳ.

Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) là doanh nghiệp phân bón hiếm hoi tăng trưởng lợi nhuận quý cuối năm. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 đạt gần 21 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Khép lại năm 2022, công ty đem về 3.156 tỷ đồng doanh thu thuần và 88 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 13% và 31% so với thực hiện 2021 và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.

“Cài số lùi” kế hoạch kinh doanh

Bước sang năm 2023, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo các doanh nghiệp phân bón sẽ đối mặt với áp lực tăng trưởng âm do nền so sánh cao trong năm 2022. BSC cho rằng giá urê năm 2023 sẽ chịu áp lực giảm do nguồn cung tăng đến từ việc Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu urê từ Ấn Độ giảm do quốc gia này tăng cường sản xuất urê nội địa. Sau cùng, biên lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có thể sẽ thu hẹp so với mức nền cao của 2022.

Trung tâm Phân tích chứng khoán SSI - SSI Research cũng có góc nhìn không khả quan đối với ngành phân bón trong năm nay. Đơn vị phân tích nhận định giá dầu có xu hướng giảm và sản lượng xuất khẩu ure toàn cầu có thể tăng khi Nga, Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu, gây áp lực giảm giá ure và lợi nhuận trong năm 2023.

Nhận diện những thách thức đó, từ cuối tháng 1/2023, DPM đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm nay có phần thận trọng với tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ, lợi nhuận trước thuế 2.670 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 58% so với kết quả năm 2022. Về chỉ tiêu sản lượng, DPM đặt kế hoạch sản xuất 1,07 triệu tấn phân bón, trong đó bao gồm 785.000 tấn urê Phú Mỹ và 200.000 tấn NPK Phú Mỹ…

Tương tự, DCM công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với các chỉ tiêu giảm đáng kể so với thực hiện 2022. Cụ thể, doanh thu năm nay dự kiến đạt trên 13.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mục tiêu 1.383 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 68%.

Còn Công ty CP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) cũng “cài số lùi” cho kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu trên 7.476 tỷ và lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 6% so với thực hiện năm trước. Riêng trong quý I, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.354,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 20,4 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận quý I sẽ giảm 81% so với cùng kỳ năm 2022.

Mục tiêu trên được các doanh nghiệp đưa ra dựa trên kịch bản thị trường phân bón bình ổn trở lại, giá dầu không còn những đợt sóng bất thường như năm ngoái...

Yến Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán