Đức Long Gia Lai từng đối mặt với phá sản
Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) từng là một trong những doanh nghiệp lớn tại khu vực Tây Nguyên, hoạt động đa ngành từ sản xuất, chế biến gỗ, đá granite, đến kinh doanh bến xe, bãi đỗ, dịch vụ khách sạn, khai thác và chế biến khoáng sản. Đặc biệt, doanh nghiệp có thời kỳ hoàng kim giai đoạn 2016 - 2018 với doanh thu lên tới 3.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, từ năm 2020, hoạt động kinh doanh của DLG bắt đầu lao dốc khi các khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng liên tục ăn mòn lợi nhuận. Điều này khiến công ty liên tục bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục và bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện kiểm soát.
![]() |
Việc cải thiện tình hình tài chính, giảm nợ và báo lãi là những tín hiệu tích cực, nhưng vẫn chưa đủ để đảm bảo DLG có thể tiếp tục niêm yết trên HOSE |
Trong hai năm 2022 và 2023, DLG ghi nhận thua lỗ liên tiếp, khiến tình hình tài chính ngày càng bấp bênh. Đỉnh điểm là vào tháng 7/2024, khi Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DLG theo đơn của Công ty CP Lilama 45.3. Theo bản án phúc thẩm, DLG phải thanh toán cho Lilama khoản nợ gốc hơn 14,7 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán hơn 2,3 tỷ đồng.
Trước tình hình này, ban lãnh đạo DLG đã có động thái phản kháng khi nộp đơn lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị xem xét lại quyết định. Sau quá trình đánh giá, tòa án cấp cao đã hủy quyết định mở thủ tục phá sản, cho rằng DLG vẫn có khả năng thanh toán và thể hiện thiện chí trả nợ.
Báo lãi kỷ lục sau 2 năm thua lỗ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, DLG đã bất ngờ báo lãi ròng 211 tỷ đồng sau nhiều năm chìm trong thua lỗ. Đây là một kết quả khả quan nếu so với mức lỗ 594 tỷ đồng của năm 2023. Tuy nhiên, con số này phần lớn đến từ khoản thu nhập khác trị giá 317 tỷ đồng, bao gồm tất toán nợ gốc và ngân hàng miễn giảm lãi vay.
Trong năm 2024, doanh thu thuần của DLG đạt 1.032 tỷ đồng, giảm 8% so với năm trước. Nguồn thu chính vẫn đến từ dịch vụ trạm thu phí BOT. Mặc dù lãi gộp tăng 34% lên gần 299 tỷ đồng, công ty vẫn lỗ thuần gần 37 tỷ đồng. Điểm sáng là DLG đã tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 45% về 363 tỷ đồng) và chi phí tài chính (giảm 22%).
![]() |
Nguồn: Thu Hà tổng hợp |
Nhờ khoản thu nhập khác, DLG đã thoát lỗ và thậm chí vượt 108% mục tiêu lợi nhuận năm, thực hiện được 74% kế hoạch doanh thu. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2024, công ty vẫn còn lỗ lũy kế lên tới 2.453 tỷ đồng.
Trước đó, hồi cuối tháng 12/2024, DLG đã chuyển nhượng thành công toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited cho Công ty CP Tập đoàn Alpha Seven với trị giá 255 tỷ đồng. Mass Noble là công ty sản xuất linh kiện điện tử có trụ sở tại Quần đảo Virgin thuộc Anh, với nhà máy đặt tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Đức Long Gia Lai cho biết đây là một phần trong lộ trình tái cấu trúc toàn diện của DLG, nhằm cắt giảm các dự án và tài sản không hiệu quả, giảm bớt chi phí tài chính. Số tiền thu được từ thương vụ này đã được DLG sử dụng để tất toán nợ tại Sacombank và trả một phần nợ tại BIDV và VietinBank.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của DLG giảm 14% so với đầu năm, xuống còn 4.348 tỷ đồng. Trong đó, ngoài tài sản cố định, công ty còn có hơn 1.610 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, tăng gấp đôi so với đầu năm. Tuy nhiên, khoản dự phòng phải thu khó đòi cũng lên tới 1.829 tỷ đồng, cho thấy rủi ro vẫn còn rất lớn.
Về phần nợ, tổng dư nợ tài chính của Đức Long Gia Lai thời điểm cuối năm 2024 đã giảm 18% so với hồi đầu năm, còn khoảng 2.300 tỷ đồng.
Liệu có thoát án hủy niêm yết?
Mặc dù báo lãi trở lại, nhưng DLG vẫn đang đứng trước nguy cơ hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 tiếp tục bị đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ. Trước đó, nhiều năm liên tiếp công ty đã bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do các khoản nợ lớn.
Việc cải thiện tình hình tài chính, giảm nợ và báo lãi là những tín hiệu tích cực, nhưng vẫn chưa đủ để đảm bảo DLG có thể tiếp tục niêm yết trên HOSE.
Cần nhắc lại rằng, kết quả khoản lợi nhuận khởi sắc của Đức Long Gia Lai trong năm 2024 không xuất phát từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu nhờ tất toán nợ và được ngân hàng miễn giảm lãi vay.
Các yếu tố quan trọng như tính minh bạch trong báo cáo tài chính, dòng tiền thực sự bền vững và chiến lược phát triển dài hạn vẫn là những dấu hỏi lớn quyết định việc DLG có thể tiếp tục niêm yết trên HOSE.
![]() | Gặp khó quý cuối năm, Lideco (NTL) vẫn lãi kỷ lục năm 2024 nhờ dự án này Dù quý 4/2024 ghi nhận khoản lỗ gần 48 tỷ đồng do doanh thu giảm mạnh, NTL vẫn đạt lợi nhuận cao kỷ lục gần ... |
![]() | Đức Long Gia Lai (DLG) lãi lớn nhờ được ngân hàng miễn giảm lãi vay Dù lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh lên tới 193 tỷ đồng, Đức Long Gia Lai vẫn ghi nhận lãi ròng hơn 111 tỷ ... |
Thu Hà