Sau "cơn sốt" Đào, phở và piano: Làm gì để phim đặt hàng đến gần hơn với khán giả?

(Banker.vn) Sau "cơn sốt" phim Đào, phở và piano, giải pháp nào để phim nhà nước đặt hàng đến gần hơn với khán giả là vấn đề được đại biểu quốc hội đặc biệt quan tâm.
Phim Đào, phở và piano đạt doanh thu 21 tỷ đồng sau "cơn sốt" phòng vé Đào, phở và piano “cháy vé": Khuyến khích doanh nghiệp nâng tầm thương hiệu phim Nhà nước đặt hàng Chiếu phim "Đào, Phở và piano" trên toàn quốc từ 22/2

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 5/6, đại biểu Lê Đào An Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên nêu vấn đề: Khi dùng điện ảnh quảng bá hình ảnh đất nước, nhiều bộ phim đã thành công. Trong đó, phim do nhà nước đặt hàng như "Đào, phở và piano" có chất lượng cao.

Sau

Từ thành công của phim "Đào, phở và piano", đại biểu Lê Đào An Xuân đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là có giải pháp gì để hỗ trợ điện ảnh Việt phát triển, đưa phim đặt hàng đến gần hơn với khán giả?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sau khi Luật Điện ảnh có hiệu lực, Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định về các hoạt động, phát triển của lĩnh vực này. Theo đó, điện ảnh Việt Nam bắt đầu có bước khởi sắc.

Thời gian qua, tư lệnh ngành văn hoá, thể thao và du lịch nhấn mạnh, Việt Nam đã tập trung thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam, vì Việt Nam có phim trường tự nhiên rất đẹp.

"Chúng ta cũng đề nghị nhà làm phim kết hợp quảng bá đất nước, con người Việt Nam để phát triển du lịch. Đơn cử như bộ phim về tình yêu của khách du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với nhà làm phim nước ngoài, phim được đưa lên Netflix và quảng bá được du lịch rất tốt"- ông Hùng nêu.

Trên cơ sở những thành công về quảng bá du lịch qua điện ảnh, thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy lợi thế về vẻ đẹp tự nhiên, phát huy cơ chế chính sách thông thoáng để có nhiều bộ phim chất lượng được quay ở Việt Nam.

Về phim trong nước, ông Hùng cho rằng chủ yếu là phim do tư nhân sản xuất, còn nhà nước một năm bố trí ngân sách cũng không nhiều, chỉ có khoảng 60-70 tỷ đồng cho phim đặt hàng. "Vì vậy, sau thành công của phim Đào, phở và piano, cúng tôi sẽ cố gắng lựa chọn, làm các bộ phim chất lượng"- ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hùng cho hay, với phim nhà nước đặt hàng, ngành văn hoá phát hiện ra điểm nghẽn là phim không được bán vé vì có nhà nước đầu tư. Vì vậy, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hiện đang đề xuất sửa đổi quy định, để các bộ phim tốt được bán vé để có nguồn thu và đầu tư lại cho các phim khác.

Phim "Đào, phở và piano" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, lấy bối cảnh Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947, ca ngợi tinh thần của chiến sĩ, nhân dân Hà Nội thời bom đạn. Phim được chiếu tại Trung tâm chiếu phim quốc gia - đơn vị sự nghiệp của nhà nước có nhiệm vụ chiếu phim để phục vụ khán giả. Toàn bộ doanh thu bộ phim này phải nộp ngân sách Nhà nước.

Sau 5 ngày đầu công chiếu (từ 1-5 Tết Nguyên đán), số suất chiếu và tỉ lệ vé bán rất bình thường. Nhưng chỉ sau khi một tiktoker review về bộ phim lập tức đã được tạo sức lan tỏa lớn đối với công chúng yêu điện ảnh. Phim trở thành hiện tượng đầu tiên của dòng phim nhà nước có thể tạo hiệu ứng mạnh mẽ.

Sau khi tác phẩm được quan tâm, Cục Điện ảnh cũng đã chiếu ở một số rạp tư nhân, những đơn vị đồng ý nộp 100% doanh thu vào ngân sách quốc gia.

Từ hiện tượng phim "Đào, phở và piano", nhiều ý kiến cho rằng, để phim sử dụng ngân sách nhà nước đến gần hơn nữa với khán giả, cần xây dựng cơ chế “mở” để truyền thông bài bản, phát hành diện rộng như các phim tư nhân khác, trích % doanh thu sau phát hành để tái đầu tư, quảng bá cho các phim nghệ thuật khác…

Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hiệu ứng tích cực từ truyền thông đối với phim "Đào, phở và piano" chính là tín hiệu buộc chúng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc quảng bá văn hóa nghệ thuật nói riêng trên một môi trường mới để đạt hiệu quả tối đa.

"Công nghiệp văn hóa đòi hỏi sự chuyên nghiệp và liên thông giữa tất cả các khâu của quá trình sản xuất, từ khai thác tài năng sáng tạo, nguồn lực văn hóa, đến sử dụng công nghệ và kỹ năng kinh doanh, từ đó một sản phẩm nghệ thuật có thể được đưa ra thị trường và phát huy hết tác dụng"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương