Sau 4 năm thoái vốn Eximbank mới báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank

(Banker.vn) Văn bản của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2018 nhưng Đại hội đồng cổ đông năm 2022 Eximbank mới báo cáo với cổ đông. Từ năm 2018 đến nay, vấn đề này cũng chưa từng được đưa vào nội dung chương trình họp Đại hội đồng cổ đông các năm.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank - Mã: EIB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.

Đáng chú ý, tại cuộc họp, Eximbank sẽ báo cáo ĐHĐCĐ về kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank dù việc thoái vốn đã được thực hiện cách đây 4 năm.

Cụ thể, ngày 7/5/2018, Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng đã có văn bản gửi tới Eximbank, trong đó yêu cầu HĐQT Eximbank phải báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất, trong đó, báo cáo đầy đủ việc chuyển nhượng cổ phiếu STB dưới mức giá tối thiểu 13.000 đồng/cp dẫn tới làm giảm thu nhập của Eximbank để Đại hội đồng cổ đông có ý kiến về vấn đề này. Trường hợp Đại hội đồng cổ đông thống nhất thông qua, HĐQT, BKS, Ban điều hành Eximbank phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tự đề xuất xử lý đối với tổ chức/cá nhân có liên quan.

Trường hợp Đại hội đồng cổ đông Eximbank không thống nhất/thông qua hoặc yêu cầu xem xét trách nhiệm đối với nội dung này, HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành Eximbank phải xác định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền hơn 6,3 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế, và phí), đồng thời, xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những thiệt hại/tổn thất gây ra cho ngân hàng.

Mức giá tối thiểu 13.000 đồng/cp được nêu tại Phương án chuyển nhượng của Eximbank trong Văn bản số 5287A/2017/EIB-TGĐ ngày 16/8/2017 và được sự chấp thuận của Cục thanh tra, giám sát Ngân hàng TP.HCM tại văn bản số 1503/Cục II.4.

Văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ năm 2018 nhưng Đại hội đồng cổ đông năm 2022 Eximbank mới báo cáo với cổ đông. Từ năm 2018 đến nay, vấn đề này cũng chưa từng được đưa vào nội dung chương trình họp ĐHĐCĐ các năm. Ngân hàng này cũng liên tục không tổ chức thành công ĐHĐCĐ trong 4 năm qua, mãi đến tháng 2 vừa rồi mới tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần 2.

Bắt tay giữa Eximbank và Sacombank (Ảnh minh họa)

Eximbank cho biết, vào thời điểm trước tháng 11/2017, Eximbank sở hữu 165.229.636 cổ phiếu STB, tương đương 8,76% vốn điều lệ của STB và là cổ đông lớn của STB. Để đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng, Eximbank cần phải bán cổ phiếu STB mà Eximbank đang nắm giữ xuống dưới 5% số cổ phần có quyền biểu quyết của STB.

Theo đó, ngân hàng đã bán khớp lệnh trực tiếp cổ phiếu STB trên sàn HOSE. Cụ thể, lô có giá khớp từ 13.000 đồng/cp trở lên có số lượng hơn 142,4 triệu cp, giá bán bình quân 14.279 đồng/cp, tương đương tổng số tiền bán được là hơn 2.033 tỷ đồng. Lô có giá khớp dưới 13.000 đồng/cp là hơn 22,8 triệu cp, giá bán bình quân 12.722 đồng/cp, tương đương giá trị hơn 290 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền thu về được là hơn 2.323 tỷ đồng, giá bán bình quân là 14.064 đồng/cp. Giá vốn của khoản đầu tư là 1.672 tỷ đồng nên ngân hàng ghi nhận lãi hơn 647 tỷ (sau khi trừ phí giao dịch).

Eximbank cho rằng, kết quả thoái vốn của khoản đầu tư có lãi và đã đóng góp phần lớn vào kết quả lợi nhuận chung của Eximbank giai đoạn 2017-2018. Giá bán bình quân của toàn bộ cổ phiếu STB là 14.065 đồng/cp, cao hơn giá tối thiểu 13.000 đồng/cp. Việc giao dịch số lượng 22,8 triệu cp có giá dưới 13.000 đồng/cp tuy không đáp ứng văn bản gửi NHNN nhưng đã đảm bảo mục tiêu thoái vốn của Eximbank tại STB theo yêu cầu của NHNN và có lãi.

Ngoài việc báo cáo kết quả thoái vốn khỏi Sacombank, tại ĐHĐCĐ, Eximbank cũng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng khá cao.

Cụ thể, năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 7,9% lên 179.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 7,4% đạt 147.600 tỷ, dư nợ cấp tín dụng tăng 10% đạt 127.149 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 2.500 tỷ, tăng 107,5% so với năm 2021. Ngân hàng cũng có kế hoạch giảm tỷ lệ nợ xấu từ 1,96% cuối năm 2021 xuống dưới 1,7% trong năm 2022.

NPV

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục