“Sắt- Son”- chuyện kể về những người phụ nữ Việt Nam kiên trung

(Banker.vn) Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với dáng hình của người phụ nữ. Đức hy sinh cao cả, tấm lòng sắt son với quê hương, gia đình, tinh thần quả cảm “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” đã làm nên vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam như những bông hoa nở giữa phong ba, bão táp.

Nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2021), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức trưng bày “Sắt- Son”.

Trưng bày được thể hiện qua 2 phần: Sắt và Son. “Sắt” là câu chuyện về những người phụ nữ Việt Nam với bao đức tính cao đẹp, luôn hết lòng chăm lo cho hạnh phúc gia đình, yêu chồng, thương con thắm thiết. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, các mẹ, các chị sẵn sàng động viên chồng con lên đường chiến đấu. Không chỉ là hậu phương vững chắc, chị em còn trực tiếp cầm súng bảo vệ quê hương. Với sức chịu đựng bền bỉ, ý chí kiên trung, phụ nữ Việt Nam đã vượt qua mọi hoàn cảnh khắc nghiệt trong chốn lao tù hay hiên ngang đối mặt với quân thù nơi chiến trường ác liệt.

Theo đó, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã thực hiện tiểu mục “Hoa nơi ngục lửa” giới thiệu tấm gương của 9 nữ chiến sĩ yêu nước, cách mạng tiêu biểu trong hoàn cảnh lao tù khắc nghiệt. Sự đày ải của kẻ địch đã khiến nhiều chị mất đi thiên chức làm mẹ hay vĩnh viễn mang nỗi đau trên cơ thể. Nhưng, chính các “địa ngục trần gian” này đã tôi luyện ý chí, giúp các chị vượt qua những đòn thù tàn khốc, hay sẵn sàng đón nhận những bản án tử hình khắc nghiệt để giữ vững khí tiết người cách mạng.

Đó là tấm gương nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn đầu tiên Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941) với câu nói nổi tiếng trước khi bị xử bắn năm 1941: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn cho Tổ quốc chúng tôi được độc lập, dân chúng tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì…”; là câu chuyện về chị Nguyễn Thị Quang Thái (1915 - 1944), em ruột của chị Nguyễn Thị Minh Khai, cũng là người vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm hai mươi chín tuổi, chị hy sinh sau hai năm sống dưới chế độ lao tù khắc nghiệt tại Nhà tù Hỏa Lò; là nữ anh hùng huyền thoại Võ Thị Sáu (1933 - 1952), mới 14 tuổi đã trở thành chiến sĩ trinh sát đội công an xung phong vùng Đất Đỏ (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Chị được kết nạp Đảng vào đêm trước ngày bị đưa đi xử bắn.

Ngoài ra, công chúng sẽ còn có dịp tìm hiểu về tấm gương của chị Lê Thị Riêng (1925 - 1968) dành trọn tuổi trẻ “chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho người không còn tang tóc, chia ly” được toàn thể phụ nữ và nhân dân Miền Nam cảm mến, tin yêu. Nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920 - 1992) với tên tuổi gắn liền với phong trào Đồng Khởi tại Bến Tre đầu những năm 1960. “Đội quân tóc dài” dưới sự lãnh đạo của bà đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù. Nụ cười rạng rỡ, hiên ngang của nữ tù trẻ tuổi Võ Thị Thắng (1945 - 2014) đã trở thành biểu tượng cho khí phách anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam những năm chống Mỹ.

Nữ chiến sĩ kiên trung trở về từ cõi chết Trần Thị Lý (1933 - 1992), dù qua nhiều nhà tù, chịu nhiều hình thức tra tấn dã man của kẻ thù như điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung, nhưng không lay chuyển và khuất phục được người con gái sông nước Thu Bồn. Cuối cùng, câu chuyện về bản lĩnh của bà Nguyễn Thị Bình (1927) tại Hội nghị Paris năm 1973 và sự kiên cường của bà Trương Mỹ Hoa (1945) trước những ngón đòn tra tấn của kẻ thù tại Nhà tù Côn Đảo, sẽ mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ hôm nay noi theo và học tập.

Tại tiểu mục, “Lòng vàng, gan sắt” giới thiệu câu chuyện về những người mẹ, người chị, người em dịu dàng, nhỏ nhắn, đã hòa mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi đất nước lâm nguy, chị em hăng hái tham gia đánh giặc bằng “đòn gánh đánh càn" ở miền Bắc, "tầm vông diệt giặc" ở miền Nam… Những đội nữ du kích, tự vệ địa phương, nữ thanh niên xung phong xông pha nơi chiến trường ác liệt hay những nữ chiến sĩ chiến đấu thầm lặng nơi đầu não của địch đã góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Triển lãm ảnh “Tốt sơn” tôn vinh những nét đẹp của phụ nữ Việt Nam

Phần nội dung “Son” được thể hiện qua hai tiểu mục “Tốt gỗ” và “Tốt sơn”. Phần “Tốt gỗ” tập trung khắc họa câu chuyện những người phụ nữ nơi hậu phương "Giỏi một nghề, biết nhiều việc". Các mẹ, các chị giữ một "tấm lòng son", chăm lo sản xuất, nuôi dạy con ngoan, học hành tiến bộ, chăm sóc chu đáo cha mẹ già yếu. Bảo đảm sự ổn định, vững vàng của hậu phương lớn miền Bắc, hỗ trợ đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tiếp nối truyền thống, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn nỗ lực vượt qua rào cản về định kiến giới, năng động, sáng tạo, "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", hăng say cống hiến để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong thời đại mới “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Bên cạnh đó là triển lãm ảnh “Tốt sơn” tôn vinh những nét đẹp của phụ nữ Việt Nam trong mọi khía cạnh, mọi hoàn cảnh của cuộc sống trong suốt chiều dài lịch sử. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc đáng giá với những câu chuyện cảm động, nhân văn đằng sau.

Theo Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, không gian trưng bày được thể hiện qua hai màu sắc chủ đạo là Xám và Đỏ, ứng với hai phần nội dung Sắt và Son của trưng bày. Nội dung phần Sắt được thể hiện trên những bức tường uốn nổi khổ lớn, với điểm nhấn mô phỏng những vết nứt của thời gian. Từ đó, khéo léo lồng ghép các câu chuyện về những tấm gương phụ nữ Việt Nam theo suốt dọc dài lịch sử, với những phẩm chất và đức tính cao đẹp nơi chốn lao tù khắc nghiệt hay trong chiến đấu kiên cường.

Với sự đầu tư về thiết kế mĩ thuật, các không gian trong trưng bày đều có thể trở thành địa điểm để khách tham quan chụp hình lưu niệm, như: cổng chào 6 lớp độc đáo để bước vào không gian trưng bày; khu vực chuyển giao giữa hai nội dung trưng bày với thiết kế ấn tượng hay điểm nhấn Bức tranh mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ được vẽ từ tên của 500 nữ chiến yêu nước, cách mạng anh hùng; triển lãm ảnh “Tốt sơn”…

Trưng bày diễn ra từ ngày 20/10/2021 đến 5/2022 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hoa Quỳnh

Theo Báo Công Thương
Theo: Báo Công Thương