Sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình: Bài 2- Kiến tạo mô hình đa trung tâm

(Banker.vn) Sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình nhằm kiến tạo tỉnh Phú Thọ mới theo mô hình đa trung tâm, tích hợp vùng, hướng tới phát triển bền vững và hiện đại.
Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ mới có bao nhiêu cán bộ dôi dư? Phú Thọ: Hợp nhất 3 tỉnh, tinh giản gần 70% xã, phường Sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình: Bài 1- Định hình không gian để chuyển mình, bứt phá

Việc sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Phú Thọ không chỉ là một quyết định hành chính, mà là bước chuyển có tính lịch sử, mở ra không gian phát triển mới. Đồng thời đặt ra những thách thức trong việc tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, quy hoạch vùng và điều đặc biệt quan trọng là xây dựng cơ chế vận hành mới sau tinh gọn huyện, xã phường… nhịp nhàng, hiệu quả, đảm bảo sự liên thông, sự phối hợp trong thực thi các chính sách phát triển hoàn toàn mới.

Hành trình kiến tạo tỉnh Phú Thọ mới – để hình thành một thực thể hành chính hiệu quả, hiện đại, giàu bản sắc và giàu sức cạnh tranh trong kỷ nguyên mới, thì thách thức lớn nhất không phải là địa lý hay dân số, mà là bộ máy – con người – tư duy vận hành.

Tinh gọn bộ máy: Cuộc "cách mạng" và tư duy đột phá

Với hơn 4 triệu dân, diện tích hơn 9.300 km², 32 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 4 thành phố, 1 thị xã, 27 huyện) và 479 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 42 phường, 40 thị trấn và 397 xã) – (số lượng xã, phường sẽ tiếp tục được tinh giản qua đề án sắp xếp cấp xã năm 2025), tỉnh Phú Thọ mới sẽ có quy mô hành chính lớn, đồng thời gánh trên vai kỳ vọng trở thành hình mẫu phát triển tích hợp, đa trung tâm, thông minh và hiện đại.

Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả một thiết chế hành chính lớn như vậy, bộ máy phải được tái thiết không chỉ ở khâu tổ chức mà cả tư duy điều hành.

Sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình: Bài 2- Kiến tạo mô hình đa trung tâm
Hành trình kiến tạo tỉnh Phú Thọ mới để hình thành một thực thể hành chính hiệu quả, hiện đại, giàu bản sắc và giàu sức cạnh tranh trong kỷ nguyên mới. Ảnh: Khánh Linh

Khó khăn đầu tiên là việc tinh giản bộ máy hành chính – vốn đã cồng kềnh, phân tán theo địa giới cũ. Việc dồn ghép các sở, ngành, huyện, xã cần tiến hành trên nguyên tắc “không cơ học”, tức là không chỉ gộp tên, dồn người, mà cần xây dựng mô hình điều hành mới, giảm tầng nấc trung gian, tăng tính linh hoạt và phân quyền thực chất.

Cùng với đó, vấn đề quy hoạch phát triển nói chung sau sáp nhập cũng cần được tính toán tổng thể, kỹ lưỡng, khoa học và hoàn thành sớm, trong đó, lấy con người là trung tâm, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là động lực và văn hóa là nền tảng.

Tỉnh mới cần một có một quy hoạch tổng thể tích hợp – xác lập rõ các cực tăng trưởng, hành lang kinh tế, không gian văn hóa – sinh thái. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Quy hoạch phải có tầm nhìn ít nhất 100 năm”. Điều đó đòi hỏi quy hoạch không chỉ là tấm bản đồ thuần túy, mà phải là kiến tạo không gian phát triển toàn diện.

Xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới

Không chỉ rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc. Đồng thời, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu thì địa phương cần có cơ chế hữu hiệu, thực tế để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Có chính sách thu hút, sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.

Sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình: Bài 2- Kiến tạo mô hình đa trung tâm
Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua Đề án sắp xếp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình. Ảnh: Thương - Thanh

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cho rằng, sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình là sự kết tinh đặc sắc vùng miền để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Để sức mạnh ấy phát huy được thì phải nâng cao đổi mới phong cách lãnh đạo, quản lý, năng lực trình độ của cán bộ để đáp ứng, khai thác được những thành tố quan trọng.

Tất cả nguồn lực dồi dào dường như đã sẵn sàng trên một bệ phóng mới, tuy nhiên, sự sẵn sàng của đội ngũ cán bộ mới là yếu tố tiên quyết, quyết định thành công.

Muốn sức mạnh ấy phát huy được thì phải có sự lãnh đạo mới, nâng cao năng lực trình độ của cán bộ để đáp ứng yêu cầu mới, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII: Sáp nhập tỉnh và không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã "không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển, là cơ hội để chúng ta sàng lọc sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới".

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua Đề án sắp xếp các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình và Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu nhấn mạnh: “Việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phải phù hợp với vị trí việc làm. Việc sử dụng các trụ sở của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Việt Trì và các tỉnh theo hướng bố trí khu vực và bố trí bộ máy phù hợp ở từng khu vực để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của các địa phương”.

Điều này cho thấy, việc tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị được xem là yêu cầu tất yếu, góp phần khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khi sáp nhập.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: Việc sắp xếp đơn vị hành chính địa phương được xây dựng trên tinh thần khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn với tầm nhìn xa, trông rộng, ít nhất là 100 năm, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa phù hợp cho phát triển đất nước.

Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế, trong đó chú trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân; đẩy nhanh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

(Còn nữa)

Thu Thủy

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục