Là trưởng ngành thứ hai chịu trách nhiệm chính trả lời chất vấn sáng 8/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhận được tới 79 câu hỏi của đại biểu Quốc hội về những vấn đề do Bộ này phụ trách, quản lý như vấn đề lạm phát, giá xăng dầu, giá sách giáo khoa mới, chậm cổ phần hoá, một số sai phạm trên thị trường vốn thời gian qua...
Trong đó, một trong những nhóm vấn đề được dư luận và nhà đầu tư quan tâm là những biện pháp chấn chỉnh sai phạm, nâng cấp thị trường chứng khoán.
Quan tâm đến chất lượng của sàn chứng khoán hiện nay, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) đặt câu hỏi chất vấn: Tại sao hệ thống KRX 10 năm chưa vận hành và khi nào có thể xong để ổn định thị trường, tâm lý nhà đầu tư?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính cho biết, thực tế, dự án hệ thống công nghệ thông tin HoSE ký với dự án KRX do Hàn Quốc tài trợ không phải 10 năm mà đã kéo dài 22 năm.
Để khắc phục, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án dùng công nghệ của sàn HNX đưa vào HoSE, qua đó tăng được room xử lý từ 1 triệu lệnh/ngày lên 3 triệu lệnh.
"Bộ Tài chính đang tích cực thúc đẩy, triển khai biện pháp mạnh, yêu cầu nhà thầu phải sang thực hiện hoàn thiện gói thầu với thời gian sớm nhất", Bộ trưởng thông tin.
Tuy nhiên, hiện hệ thống cần xử lý khoảng 2,5 triệu lệnh/ngày và trong tương lai sẽ sử dụng hết "room". Để đảm bảo cho hệ thống không bị nghẽn mạch như thời gian vừa qua, Bộ đã có kế hoạch nâng room xử lý lên 5 triệu lệnh/ngày.
Bộ trưởng Phớc cũng nhắc lại sự kiện hệ thống giao dịch chứng khoán của sàn HoSE bị nghẽn liên tục trong giai đoạn tháng 4-5/2021 và phải mất 100 ngày để “giải cứu” với sự tham gia của nhiều công ty công nghệ trong nước và các chuyên gia giỏi.
Đối với hệ thống giao dịch KRX dự kiến hoàn thành trong thời gian tới, Bộ trưởng Tài chính cho biết đây sẽ chỉ là hệ thống công nghệ thông tin dự phòng, để khi hệ thống hiện tại bị nghẽn mạch hoặc có sự cố thì hệ thống KRX sẽ lập tức được thay thế.
ĐBQH Nguyễn Minh Sơn chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
“Hệ thống hiện nay cũng đã có một hệ thống dự phòng, vừa rồi khi bị ngắt mạch thì đưa hệ thống dự phòng vào hoạt động ngay. Sau khi có thêm một hệ thống KRX nữa thì có thể đảm bảo hoạt động giao dịch của nhà đầu tư diễn ra thông suốt”, ông Phớc nói.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài chính về trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng trong quản lý, điều hành một số diễn biến không lành mạnh của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua.
Trả lời, Bộ trưởng Phớc cho biết, khung khổ pháp lý hiện được hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ theo chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về phát triển thị trường vốn, khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán của Việt Nam còn non trẻ nên không tránh khỏi có lúc tăng trưởng quá "nóng" dẫn đến một số sai phạm.
Thời gian quan, cơ quan này đã nỗ lực ngăn chặn, xử lý một số sai phạm, làm cho thị trường minh bạch hơn.
Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 9/2021, Bộ Tài chính đã ra 5 thông cáo báo chí về rủi ro của thị trường TPDN riêng lẻ. Bộ cũng cảnh báo nhà đầu tư chứng khoán, ra công điện yêu cầu Ủy ban chứng khoán và các cơ quan thanh tra một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm.
Đầu tháng 4, qua thanh tra các công ty kiểm toán độc lập của các công ty chứng khoán, đã phát hiện nhiều sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, xử phạt hành chính 568 vụ, với số tiền hơn 29 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, cán bộ Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm trong việc này. Chúng tôi đã cách chức 2 cán bộ lãnh đạo là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Tổng giám đốc HOSE, đồng thời cảnh cáo 2 cán bộ và kiểm điểm nhiều người khác", ông Phớc nói.
Hiện tại, Bộ cũng rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để điều chỉnh bổ sung kịp thời nhằm tăng cường minh bạch thông tin thị trường, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Bộ trưởng nhận định thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).
Thị trường TPDN tăng trưởng nhanh nên phát sinh rủi ro: Một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ, vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông; tính tuân thủ của một số doanh nghiệp phát hành chưa cao, có doanh nghiệp cố tình vi phạm và thông đồng với các công ty chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ để thực hiện các hành vi gian lận trên thị trường; quy định pháp luật trong khi quy định về mức xử phạt còn nhẹ, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe.
Để phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp hữu hiệu.
Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ, ngành liên quan bám sát thực tiễn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện ổn định, phát triển nhanh, bền vững thị trường chứng khoán, TPDN.
Bộ Tài chính sẽ rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Đối với TPDN, hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm, tăng cường giám sát các tổ chức trung gian...
Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành TPDN, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe; và thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong giám sát dòng tiền và quản lý, giám sát các hoạt động trên thị trường chứng khoán.
Quy mô thị trường vốn Việt Nam Tính đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, trong đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 16,4% GDP; qua đó đã cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng hiện có quy mô 131,8% GDP. Tăng trưởng bình quân đạt trên 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, riêng năm 2021 là 33,2%. Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng (huy động vốn trái phiếu Chính phủ đạt trên 318 nghìn tỷ đồng; huy động vốn của doanh nghiệp qua phát hành cổ phiếu, cổ phần hóa đạt khoảng 143,5 nghìn tỷ đồng; phát hành TPDN đạt trên 637 nghìn tỷ đồng), tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong 5 tháng đầu năm 2022, quy mô huy động vốn trên thị trường trái phiếu (cả Chính phủ và doanh nghiệp) là trên 250 nghìn tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2021. Hiện trên thị trường chứng khoán có 767 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, 858 cổ phiếu đăng ký giao dịch; 83 công ty chứng khoán, 44 công ty quản lý quỹ, 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư là trên 5,2 triệu tài khoản, tăng 21,1% so với cuối năm 2021. Giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 28.745 tỷ đồng/phiên, tăng 8,1% so với bình quân năm 2021. (Bộ Tài chính) |
MinhMinh/ĐTCK
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|