Sập bẫy lừa đảo đầu tư tài chính trên mạng xã hội, nạn nhân mất nhiều tỷ đồng

(Banker.vn) Một nạn nhân bị lừa đảo 2,3 tỷ đồng sau khi tham gia nhóm trên mạng xã hội và đầu tư tiền ảo qua sàn giao dịch điện tử.
Sàn đầu tư tài chính đa cấp: Bánh vẽ nhiều rủi ro Cảnh báo nhóm từ thiện Oxfam108 và kênh đầu tư tài chính SAMEHOME Bài 4: Cho vay và đầu tư tài chính, các công ty xổ số miền Nam đối mặt nguy cơ nợ xấu

Người dân cần kiểm tra kỹ thông tin về sàn giao dịch

Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Công an TP. Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo từ chị V. (SN 1974, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) về việc bị lừa đảo 2,3 tỷ đồng sau khi tham gia nhóm “T.C.T.Đ” và đầu tư tiền ảo qua sàn B.

Sập bẫy lừa đảo đầu tư tài chính trên mạng xã hội, nạn nhân mất nhiều tỷ đồng
Cảnh báo chiêu trò lừa đảo đầu tư tài chính trên mạng xã hội - Ảnh: Cục An toàn thông tin

Đối với chiêu trò trên, các đối tượng thường lập ra các sàn chứng khoán, đầu tiền ảo giả mạo hoặc không được cấp phép hoạt động. Thậm chí, đối tượng còn giả danh là chuyên gia tài chính, chuyên viên chứng khoán hoặc đại diện của các công ty môi giới uy tín.

Tiếp đó, đối tượng mời nạn nhân vào các nhóm đầu tư trên mạng xã hội (facebook, telegram, zalo…) và mời chào nạn nhân tham gia vào sàn mà chúng tạo ra. Ban đầu, đối tượng quảng cáo sàn giao dịch của mình với lời hứa lãi suất cao, thậm chí đưa ra các bằng chứng giả mạo về lợi nhuận từ các nhà đầu tư trước đó. Sau khi thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư và nhận tiền, sàn giao dịch ảo sẽ đóng cửa hoặc biến mất, khiến nhà đầu tư mất sạch số tiền đã đầu tư.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website hay ứng dụng đầu tư tiền ảo.

Trước khi tham gia bất kỳ sàn giao dịch nào, người dân cần kiểm tra giấy phép hoạt động và thông tin về sàn giao dịch. Chỉ nên giao dịch trên các sàn được cấp phép bởi cơ quan chức năng. Không chia sẻ thông tin cá nhân cho bất kỳ ai dưới mọi hình thức. Không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc nhấp vào đường dẫn lạ.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Xuất hiện hành vi lừa đảo mới thông qua Google Voice

Mới đây, cũng xuất hiện hành vi lừa đảo mới nhắm vào số điện thoại của người dân thông qua dịch vụ điện thoại Google Voice. Nạn nhân của thủ đoạn này chủ yếu là những người có nhu cầu mua và bán hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Sập bẫy lừa đảo đầu tư tài chính trên mạng xã hội, nạn nhân mất nhiều tỷ đồng
Cảnh giác chiêu trò lừa đảo thông qua Google Voice. (Ảnh minh hoạ)

Các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm quyền kiểm soát số điện thoại thông qua tài khoản Google Voice của nạn nhân với mục đích xấu như mạo danh hoặc thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp. Tổng thiệt hại do thủ đoạn này gây ra có thể dao động từ vài trăm cho đến hàng ngàn USD.

Ban đầu, các đối tượng có xu hướng nhắm đến những tài khoản đăng tải các bài viết với nhu cầu mua bán sản phẩm hoặc cung cấp các dịch vụ trực tuyến trên các nền tảng như Craigslist hoặc Facebook Marketplace.

Các đối tượng sẽ giả vờ quan tâm đến sản phẩm, chủ động hỏi han và liên hệ với nạn nhân. Sau khi trò chuyện, kẻ gian sẽ chủ động gửi mã xác nhận tài khoản Google Voice của mình cho nạn nhân, sau đó yêu cầu nạn nhân cung cấp số điện thoại và xác minh tính chính thống bằng cách gửi lại mã của mình.

Sau khi nạn nhân chia sẻ mã, các đối tượng sẽ sử dụng mã này để thiết lập một tài khoản Google Voice khác liên kết với số điện thoại mà nạn nhân sử dụng. Điều này sẽ cho phép các đối tượng chiếm quyền kiểm soát số điện thoại của nạn nhân, theo dõi toàn bộ nội dung tin nhắn và cuộc gọi của nạn nhân.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi sử dụng Google Voice nói riêng và các ứng dụng VoiP (truyền giọng nói trên giao thức IP) nói chung. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ, không cung cấp các thông tin và dữ liệu cá nhân khi chưa xác minh được danh tính của đối tượng.

Nâng cao bảo mật bằng cách bật chế độ bảo mật 2 lớp đối với các ứng dụng tương tự. Khi nghi ngờ đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, người dùng cần báo cáo ngay với bộ phận quản lý ứng dụng để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương