Ngày 2/12, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 11/2024 với nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực. Theo đó, sản lượng tôm thành phẩm đạt 1.497 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nông sản thành phẩm chỉ đạt 42 tấn, giảm sâu 59% so với cùng kỳ.
Hình minh họa |
Trong tiêu thụ, sản lượng tôm thành phẩm bán ra đạt 1.648 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ, trong khi nông sản thành phẩm tiếp tục giảm 16%, chỉ đạt 95 tấn.
Doanh số chung tháng 11 đạt 18,38 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ. Dù mức tăng này thấp hơn so với tháng 9 (tăng 48%) và tháng 10 (tăng 26%), nhưng lũy kế 11 tháng, Sao Ta đã thu về 228 triệu USD, vượt 8,7% kế hoạch năm (210 triệu USD). Kết quả này đến từ sự phục hồi nhu cầu thủy sản trên thị trường quốc tế, đặc biệt là ngành tôm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 11 tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến đạt mốc 4 tỷ USD cả năm.
Về chiến lược, Sao Ta tiếp tục tập trung vào thị trường Nhật Bản và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chế biến sâu. Doanh nghiệp cũng ghi nhận lợi thế tự chủ nguồn nguyên liệu nhờ vùng nuôi rộng lớn. Tính đến tháng 11/2024, FMC đã hoàn tất thả giống tại khu mới (203 ha) và dự kiến hoàn thành thả giống tại khu cũ (322 ha) vào ngày 20/12.
Đồng thời, Sao Ta đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 320 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2023.
Chờ phán quyết vụ áp thuế ở Mỹ
Ngày 22/10, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả chính thức điều tra thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với tôm nước ấm đông lạnh từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Thực phẩm Sao Ta theo đó cũng bị áp mức thuế CVD 2,84%, và doanh nghiệp đã chủ động trích lập 23 tỷ đồng dự phòng cho khoản thuế này trong 9 tháng đầu năm.
Theo đại diện Sao Ta, các lô tôm xuất khẩu sang Mỹ từ tháng 4 đến đầu tháng 7 đã tạm nộp mức thuế này. Tuy nhiên, từ ngày 1/7, các lô hàng xuất đi chưa phải chịu thuế nhưng vẫn phải trích dự phòng để giảm thiểu rủi ro. Hiện tại, mức thuế này chưa được xem là chính thức. Ngày 5/12, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Nếu ITC kết luận mức trợ cấp 2,84% ảnh hưởng đáng kể đến ngành tôm Mỹ, thuế này sẽ chính thức áp dụng, tạo rào cản lớn với doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Ngược lại, nếu vụ kiện bị hủy bỏ, Sao Ta có thể thu hồi ít nhất 40 tỷ đồng từ khoản dự phòng, góp phần tích cực vào mục tiêu kinh doanh năm 2024.
Trong khi chờ đợi kết quả từ ITC, áp lực chi phí và giá bán cũng đang là vấn đề lớn của doanh nghiệp. Theo báo cáo từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), biên lãi gộp của Sao Ta trong quý IV dự kiến khó cải thiện. Nguyên nhân là giá tôm thẻ nguyên liệu hiện đã tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá bán ra chưa đạt mức tăng tương ứng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ cho mùa lễ hội giảm dần, và cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu tôm khiến việc tăng giá bán trở nên khó khăn.
Chỉ số DXY là gì? Vì sao đầu tư chứng khoán cần quan tâm đến chỉ số này? Hiểu rõ chỉ số DXY giúp nhà đầu tư nhận diện xu hướng thị trường, nắm bắt cơ hội và tối ưu hóa danh mục ... |
Imexpharm hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu sau 10 tháng Imexpharm ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 41 tỷ đồng trong tháng 10/2024, tăng 29% so với cùng kỳ, nhờ kiểm soát chi phí ... |
Phạm Hường