Sáng - tối bức tranh lợi nhuận quý II của 3 "anh cả" ngành xăng dầu

(Banker.vn) Kết thúc quý II và 6 tháng đầu năm, ngành xăng dầu Việt Nam chứng kiến một bức tranh kinh doanh đa màu sắc. Trong đó, có doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng, song cũng có doanh nghiệp phải đặt kỳ vọng hoàn toàn vào nửa cuối năm.
Sáng - tối bức tranh lợi nhuận quý II của 3
Sáng - tối bức tranh lợi nhuận quý II của 3 "anh cả" ngành xăng dầu

"Ông lớn" bán lẻ Petrolimex lãi đậm

Kết thúc quý II, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (HOSE: PLX) ghi nhận doanh thu thuần đạt 65.752 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán đạt 61.913 tỷ đồng, giảm 24% so với quý II/2022, kéo biên lợi nhuận gộp tăng mạnh 60%, đạt 3.839 tỷ đồng.

Trong quý II, Petrolimex đạt 433 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cùng tăng lần lượt 13% và 4%, tương đương 2.907 tỷ đồng và 217 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex là 850 tỷ đồng, tăng ấn tượng so với mức âm 140 tỷ đồng của quý II/2022.

Lý giải về nguyên nhân giúp Petrolimex “thắng đậm” trong kỳ này, Tập đoàn cho biết hoạt động kinh doanh xăng dầu đang trong điều kiện “dễ thở” hơn so với quý I/2022 do nguồn cung năng lượng và giá dầu không chịu tác động bất thường của tình hình kinh tế thế giới nên kết quả cũng tốt hơn.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 133.184 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.517 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần so với 2 quý đầu năm 2022.

Như vậy, sau nửa năm, Petrolimex đã hoàn thành 34% chỉ tiêu doanh thu (190.000 tỷ đồng) và 58% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế (3.228 tỷ đồng).

Hiện tại, tổng cộng tài sản mà Petrolimex đang nắm giữ là 80.817 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tới 72%, đạt 57.981 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền là 16.241 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu quý I/2023. Tuy nhiên, hàng tồn kho lại giảm 11%, về mức 15.367 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Petrolimex tăng khoảng hơn 100 tỷ đồng, gần chạm ngưỡng 27.900 tỷ đồng. Petrolimex đang phải “ôm” khoản nợ khá lớn, đạt gần 53.000 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 99%, ở mức 51.997 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, giá cổ phiếu của PLX đang ghi nhận ở mức 41.000 đồng/cp, tăng khoảng 8% trong vòng 3 tháng trở lại đây.

PVOIL và BSR trông chờ vào nửa cuối năm

Trong báo cáo tài chính quý II của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 33.669 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp của Bình Sơn giảm tới 89%, xuống còn 1.177 tỷ đồng do giá vốn hàng bán giảm 21%, ở mức 32.497 tỷ đồng.

Ở kỳ này, chi phí tài chính đã được Bình Sơn cắt giảm 62%, chỉ còn gần 93 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 64%, ở ngưỡng 158 tỷ đồng do khấu hao tài sản. Bù lại, doanh thu tài chính đã tăng hơn 2 lần, đạt 714 tỷ đồng.

Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Bình Sơn vẫn chưa thể tốt hơn với mức 1.339 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình về nguyên nhân báo lỗ, Bình Sơn cho biết năm 2022, giá dầu thô Brent “đạt đỉnh”, lên 123,7 USD/thùng vào tháng 6/2022. Đồng thời, crack spread (chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu) trong quý II/2022 cao hơn nhiều so với trong quý II/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt 67.735 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 76% so với 2 quý đầu năm 2022, đạt 2.949 tỷ đồng.

Như vậy, sau 2 quý. Lọc hóa dầu Bình Sơn đã hoàn thành 70% chỉ tiêu doanh thu và đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế với khoảng cách khá xa (1.628 tỷ đồng).

Hiện tại, doanh nghiệp đang nắm giữ 75.042 tỷ đồng tổng tài sản. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản thu ngắn hạn, hàng tồn kho đồng loạt giảm. Các khoản đầu tư ngắn hạn tăng mạnh gấp 4,5 lần, đạt 9.372 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, Bình Sơn đang có 51.623 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, chiếm 68% tổng cộng nguồn vốn. Các khoản nợ ngắn hạn và nợ dài hạn giảm lần lượt 15% và 2%, tương đương 22.153 tỷ đồng và 1.266 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, giá cổ phiếu của BSR đang ghi nhận ở mức 19.500 đồng/cp, cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Về phía Tổng công ty Dầu Việt Nam – PVOIL (UPCoM: OIL), doanh thu thuần quý II đạt 22.321 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán giảm 27%, về mức 22.321 tỷ đồng kéo lợi nhuận gộp xuống còn 1.097 tỷ đồng, giảm 23% so với quý II/2022.

Nhờ lãi tiền gửi ngân hàng tăng 49% mà doanh thu hoạt động tài chính cũng “vọt” lên 79%, đạt 241 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm xuống 22%, còn 102 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 27%, đạt gần 325 tỷ đồng.

Khấu hao chi phí, lợi nhuận sau thuế của PVOIL đạt 189 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm 2022.

Giải thích nguyên nhân lợi nhuận quý II “đi xuống”, PVOIL cho biết chủ yếu do giá dầu Brent giảm trong 6 tháng đầu năm khiến tình hình kinh doanh rơi vào “thế khó”.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, PVOIL đạt 42.859 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt hơn 455 tỷ đồng, giảm 43% so với 2 quý đầu năm 2022.

Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, PVOIL đã hoàn thành 85% chỉ tiêu doanh thu (50.000 tỷ đồng) và 94% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (480 tỷ đồng).

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của PVOIL là 30.340 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu quý I/2023. Riêng tiền và các khoản tương đương tiền giảm 47%, còn 2.131 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 28%, đạt 3.759 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, PVOIL có 11.680 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, chiếm 38% tổng cộng nguồn vốn. Nợ phải trả của PVOIL chủ yếu là nợ ngắn hạn, đạt 18.403 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, giá cổ phiếu của OIL đang ghi nhận ở mức 11.000 đồng/cp, gần như không biến động trong 1 tháng trở lại đây.

Kỳ vọng cho ngành xăng dầu

Kết thúc nửa đầu năm 2023, giá dầu Brent giảm xuống quanh mức 75 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 120 USD/thùng vào giữa năm 2022 do lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu thô toàn cầu.

Sau một năm 2022 đầy khó khăn, thị trường xăng dầu trong nước đã trở lại trạng thái bình thường khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSR) hoạt động hết công suất, cơ quan quản lý đã điều chỉnh chi phí định mức tính giá xăng dầu cơ sở từ cuối năm 2022, qua đó hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu trong nước.

Theo VNDirect, nhìn chung, phân phối xăng dầu có nhiều triển vọng tươi sáng nhờ thị trường trong nước ổn định trở lại, việc điều chỉnh các khoản phụ phí kinh doanh xăng dầu kịp thời và đầy đủ của cơ quan quản lý giúp hạn chế các chi phí kinh doanh xăng dầu đột biến và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu sẽ phải đối mặt với việc tăng trưởng âm trong năm nay khi biên lợi nhuận lọc dầu đã giảm xuống mức trước khủng hoảng do suy thoái kinh tế gia tăng.

Bên cạnh đó, tại châu Âu, Trung Quốc tạo ra nguồn cung lớn với việc xuất khẩu sản phẩm lọc dầu, Nga điều chỉnh dòng chảy sản phẩm từ châu Âu sang Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ cùng công suất bổ sung từ các nhà máy lọc dầu mới tại Trung Đông cũng tạo ra nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp.

Theo dự báo, crack spread các sản phẩm lọc dầu tầng trung, đặc biệt là crack spread diesel sẽ dần phục hồi trong những tháng tới, được hỗ trợ bởi nhu cầu đi lại vào mùa hè và nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm vào mùa đông ở các nước phương Tây. Điều này sẽ hỗ trợ cho biên lợi nhuận lọc dầu trong thời gian tới, nhưng vẫn sẽ thấp hơn đáng kể so với mức kỷ lục của năm 2022.

Dự phóng 6 tháng cuối năm 2023, giá dầu Brent giảm xuống 75 USD/thùng từ “mức đỉnh” 120 USD/thùng giữa năm 2022 do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu thô. Tuy nhiên, VNDirect cũng cho rằng việc OPEC+ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2024 có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu thô.

VNDirect cũng dự báo trong năm 2023-2024, nhu cầu dầu thô sẽ tiếp tục tăng. Do đó, các doanh nghiệp có thể kỳ vọng giá dầu Brent sẽ tăng trở lại trong nửa cuối 2023 vì nguồn cung hạn chế, đạt mức trung bình 80-85 USD/thùng.

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán