Sáng nay, khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(Banker.vn) Sáng ngày 12/4, tại Nhà Quốc hội, khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kết quả giám sát sử dụng các nguồn lực chống dịch Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khai mạc phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cùng đại diện các cơ quan: Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ...

Sáng nay, khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu mở đầu phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4 trong thời gian 2,5 ngày, từ ngày 12 - 14/4 để xem xét 6 nội dung.

Trường hợp các cơ quan chuẩn bị kịp hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến vào cuối phiên họp này.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lý giải lí do tại sao chương trình phiên họp diễn ra trong 2,5 ngày, trống 0,5 ngày làm việc là do dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) dù dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ dù đã đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn xảy ra tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu dự án luật.

Trong thời gian 2,5 ngày làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật trong Chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 gồm Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Trong đó, đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, thị trường bất động sản là một trong những thị trường cơ bản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngành nghề kinh doanh bất động sản cũng là một trong những yếu tố đảm bảo cho tăng trưởng của nền kinh tế và liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau. Dự án Luật này đã thực hiện trong thực tế được 8 năm, đến nay vẫn còn có một số vướng mắc và bất cập. Do đó, lần này Chính phủ để đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh; nghiên cứu kĩ lưỡng vấn đề tính thống nhất của hệ thống pháp luật bởi dự án Luật này liên quan đến nhiều luật khác.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giai đoạn này sửa là cần thiết nhưng rất khó đòi hỏi sâu sát để đáp ứng yêu cầu, tránh sửa xong nhưng không giải quyết được vướng mắc hay lại tạo ra những vướng mắc khác.

Sáng nay, khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo chương trình, sáng 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình bày tờ trình. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận.

Cũng trong ngày 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày tờ trình. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra.

Ngày 13/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với 02 dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Bộ trưởng Bộ Công an sẽ trình bày tờ trình về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình bày tờ trình về dự án Luật Đường bộ. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra.

Bên cạnh đó, cho ý kiến đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (đồng thời xem xét về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).

Ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra.

Đồng thời, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ đề xuất một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Ngoài ra, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương