Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

(Banker.vn) Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp Hôm nay, đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) Đà Nẵng: Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 26/5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Ngày 15/2/2023, tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật này. Dự thảo Luật cũng đã được cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; gửi xin ý kiến các cơ quan hữu quan.

Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 7 chương, 79 điều. Những nội dung lớn của dự thảo Luật được các đại biểu Quốc hội quan tâm gồm: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; nguyên tắc và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; các hành vi bị cấm; xử lý vi phạm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 08 dự án Luật, 03 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Theo: Báo Công Thương