Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

(Banker.vn) Sáng 15/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho công tác thể chế Bộ Tư pháp nói gì về quốc tịch của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn?

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày làm việc (ngày 15/8) để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Trên cơ sở tiêu chí, trình tự, thủ tục lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định 2 nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Theo chương trình dự kiến, sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất gồm: Một là, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Hai là, thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ba là, thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.

Ngoài trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thì Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Báo cáo khái quát một số nội dung cơ bản về các nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và đổi mới cách thức trong việc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Chẳng hạn như: Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan triển khai từ sớm việc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình; phối hợp Văn phòng Chính phủ trong việc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung các dự án luật vào Chương trình; chất lượng Đề nghị của Chính phủ đã bám sát và thể hiện rõ nét hơn thứ tự ưu tiên cho các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự chuẩn bị của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 32 luật, nghị quyết (22 luật, 10 nghị quyết), không có dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình. Các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều được thông qua với tỷ lệ cao. Chính phủ đã ban hành 312 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 87 quyết định quy phạm pháp luật.

Cũng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong kết quả chung của Chính phủ, trên cơ sở đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.

Về cơ bản, công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm, cơ bản đảm bảo quy trình, thủ tục, hồ sơ và chất lượng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội về quan điểm xây dựng thể chế, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện Bộ Tư pháp đã và đang xây dựng, chuẩn bị trình Chính phủ, Quốc hội các đề nghị, dự án luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng, Luật Thi hành án dân sự, Luật Giám định tư pháp…

Công tác thẩm định đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tư pháp tập trung thực hiện, nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ, tiếp tục phát huy cơ chế Hội đồng thẩm định; các báo cáo thẩm định cơ bản được các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản đánh giá tốt và được các đại biểu Quốc hội tham khảo kỹ trong quá trình thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp thông tin, từ năm 2021 đến 31/5/2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định 533 dự án, dự thảo và 71 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, thẩm định đối với 1.209 thủ tục hành chính tại 127 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có thủ tục hành chính; đề nghị không quy định 07 thủ tục, sửa đổi 903 thủ tục, bổ sung 10 thủ tục.

Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, tham gia vào các Tổ công tác rà soát quy định pháp luật để tiếp tục phát hiện các vướng mắc, bất cập về thể chế, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới quy định; trong đó có việc chuẩn bị trình Quốc hội Báo cáo về kết quả rà soát theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đối với văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ phải ban hành 123 văn bản (75 nghị định, 13 quyết định và 45 thông tư).

Đến ngày 30/7/2023, đã ban hành 105 văn bản (62 nghị định, 11 quyết định và 32 thông tư). Số văn bản có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật đã từng bước được cải thiện, như chùm nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Biên phòng, Luật Cảnh sát cơ động....

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), có nhiều quy định mới với mục tiêu tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật.

Chính phủ thường xuyên yêu cầu các Bộ, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm tuân thủ nghiêm quy trình, thực hiện minh bạch, khách quan trong xây dựng pháp luật; tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình hợp lý các ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản.

Bộ Tư pháp đang tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ (hiện đã hoàn tất việc chỉnh lý Dự thảo và chuẩn bị thông qua).

Ngoài ra, tham gia góp ý, xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật; phổ biến, tuyên truyền, đề nghị các cơ quan, đơn vị tuân thủ nghiêm Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong các hoạt động tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thể chế.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương