Sản xuất sữa bột giả, CEO Nguyễn Trung Vương đối diện mức án nào?

(Banker.vn) Hành vi sản xuất, buôn bán sữa giả của CEO Nguyễn Trung Vương sẽ đối diện với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Bắt Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan vì sản xuất, buôn bán hàng giả Từ loại quả xa xỉ nay nho sữa lại có giá rẻ bất ngờ, người dân lo lắng về chất lượng Bộ Công an khởi tố vụ Công ty CP Sữa Hà Lan sản xuất sữa bột kém chất lượng

Liên quan đến vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Chí Linh (tỉnh Hải Dương) ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa Hà Lan về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

Đây là kết quả quá trình đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an.

Trước đó, ngày 19/12/2022, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an (C05) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan, trụ sở tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc.

Tại thời điểm đó, cơ quan Công an đã đồng loạt ra quân kiểm tra nhà máy sản xuất của công ty, thu mẫu của 67 lô hàng để giám định. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có 65 lô hàng chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp, tương đương với số lượng 29.400 hộp sữa đã vi phạm tiêu chuẩn công bố.

Sản xuất sữa bột giả, CEO Nguyễn Trung Vương đối diện mức án nào?
Cơ quan Công an kiểm tra khu vực sản xuất sữa bột của Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan - Ảnh: BCA.

Trong đó, cơ quan điều tra cáo buộc bị can Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa Hà Lan dù nhận thức rõ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm kém chất lượng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi nhuận nên vẫn sai phạm.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cáo buộc bị can Đỗ Minh Thu, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan đã tự ý cắt ghép 02 Phiếu kết quả kiểm nghiệm, rồi đem xác nhận sao y bản chính tại UBND xã Đồng Lạc để được cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm, được phép lưu thông sản phẩm ra thị trường.

Liên quan đến tính pháp lý quanh vụ việc này, Luật sư Ma Văn Giang (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, hàng hóa “có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng” sẽ được xác định là hàng giả.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự, tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm sẽ áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại.

Với cá nhân, hình phạt thấp nhất là 2 năm tù. Trường hợp hành vi sản xuất hàng giả thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên, người thực hiện hành vi sẽ bị áp dụng khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Với pháp nhân thương mại phạm tội, hình phạt có thể tới 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, nghiêm khắc nhất là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Như vậy, người sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt thấp nhất là 2 năm tù và cao nhất là tù chung thân. Tuy nhiên, để xác định chính xác tội danh, mức xử lý hình sự, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi phạm tội của bị can, xác định có xử lý được hình sự đối với pháp nhân thương mại hay không và sẽ làm rõ các đồng phạm khác để xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Ma Văn Giang phân tích.

Sản xuất sữa bột giả, CEO Nguyễn Trung Vương đối diện mức án nào?
Một số sản phẩm sữa giả, sữa kém chất lượng bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: BCA

Theo Luật sư Ma Văn Giang, việc sản xuất sữa giả thực hiện trong một thời gian dài sẽ có nhiều người cùng tham gia, bởi vậy nếu những người nào biết đó là hàng giả nhưng vẫn thực hiện hành vi sản xuất, mua bán đều bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ hành vi, vai trò của các tổ chức cá nhân có liên quan để xử lý. Đối với các sản phẩm sữa được xác định là không đảm bảo chất lượng thì được xác định là hàng giả, sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng cũng yêu cầu tất cả các cơ quan tổ chức đang bán, giới thiệu sản phẩm này phải giao nộp lại cho cơ quan điều tra để thu hồi, tiêu hủy. Các khách hàng đã mua, sử dụng loại sản phẩm giả có quyền yêu cầu doanh nghiệp phải trả lại tiền và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Hải Sơn

Theo: Báo Công Thương