Sản xuất mía đường Việt Nam trên đà tụt dốc thê thảm

(Banker.vn) Báo cáo tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2018-2019 và kế hoạch sản xuất niên vụ 2019-2020 của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, tình hình sản xuất của ngành mía đường Việt Nam đang trên đà tụt dốc thê thảm trước ngưỡng cửa hội nhập đầy đủ thị trường đường trong khu vực ASEAN (thực hiện cam kết ATIGA từ 1/1/2020) nếu không có các giải pháp kịp thời cứu vãn.

VSSA cho biết, cuối niên vụ mía đường 2017-2018, các nhà máy đường trên cả nước dự kiến kế hoạch sản xuất niên vụ 2018-2019 với tổng diện tích mía nguyên liệu khoảng 240.000 ha, năng suất đạt 68,3 tấn/ha (niên vụ 2017-2018 là 66,8 tấn/ha), tổng sản lượng mía là 15,5 triệu tấn. Tuy nhiên, tổng kết sản xuất niên vụ 2018-2019 cho thấy, không đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, diện tích mía nguyên liệu sụt giảm khoảng 20%, từ 241.407 ha vụ 2017-2018, xuống còn 192.386 ha vụ 2018-2019; sản lượng mía ép giảm 21%, từ 15,43 triệu tấn vụ 2017-2018, giảm xuống 12,2 triệu tấn vụ 2018-2019; sản lượng đường từ 1,476 triệu tấn vụ 2017-2018, giảm còn 1,173 triệu tấn vụ 2018-2019.

san xuat mia duong viet nam tren da tut doc the tham

Giá đường niên vụ 2018-2019 bình quân giảm khoảng 1.000 - 1.500 đ/kg, kéo theo giá mua mía cho nông dân các nhà máy đường cũng điều chỉnh giảm bình quân từ 50.000 đến 100.000 đồng/tấn (giá mía bình quân khoảng từ 750.000 đến 800.000 đồng/tấn). Trong khi kết thúc niên vụ 2018-2019, mức tồn kho đường vẫn rất cao so với những năm gần đây, ước tính khoảng 600.000 tấn.

Nguyên nhân sụt giảm giá đường, theo VSSA là do tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu, nhiều nhà máy phải điều chỉnh giảm giá để cạnh tranh. Giá mía giảm ngoài do tác động của giá đường giảm, còn có các nguyên nhân khác như một số vùng bị hạn hán, mưa lũ, sâu bệnh… làm giảm cả diện tích lẫn năng suất và chất lượng mía. Mặc dù các nhà máy đường đã cố gắng kiềm chế điều chỉnh giảm giá mía khi giá đường sụt giảm liên tục, tuy nhiên, với mức giá hiện hữu bà con nông dân làm ăn không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng nên một số nơi đã bỏ mía hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.

Theo kế hoạch sản xuất mía đường niên vụ 2019-2020 VSSA tổng hợp sơ bộ từ các doanh nghiệp, diện tích mía vụ mới ước tính đạt 157.809 ha (giảm 18% so với vụ 2018-2019); sản lượng mía ép ước tính 9,75 triệu tấn (giảm khoảng 20% so với vụ 2018-2019); sản lượng đường dự kiến đạt 967.823 tấn (giảm khoảng 18% so với vụ 2018-2019); năng suất mía dự kiến 61,8 tấn/ha...

san xuat mia duong viet nam tren da tut doc the tham

“Bức tranh” sản xuất mía đường niên vụ 2018-2019 và dự kiến kế hoạch niên vụ 2019-2020 cho thấy, sản xuất mía đường của Việt Nam đang trên đà suy giảm thảm hại. Để duy trì sản xuất, kinh doanh, VSSA đã khuyến cáo các doanh nghiệp đường định giá mua mía niên vụ 2019-2020 phải bảo đảm cho nông dân có thể sống được. Đây là con đường tồn tại duy nhất của ngành đường Việt Nam, vì nếu nông dân không tiếp tục trồng mía, nhà máy sẽ không còn nguyên liệu để chế biến. Các doanh nghiệp tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương nên cùng với nông dân xây dựng giá mua mía sao cho bù đắp đủ các chi phí nông dân đã bỏ ra cộng thêm khoảng 10% lợi nhuận để họ có thể tồn tại tiếp tục trồng mía.

Để giá đường bảo đảm đủ trả tiền mía cho nông dân và chi phí chế biến, VSSA khuyến nghị các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao hiệu quả chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí kinh doanh… Đồng thời, tùy vào tình hình tài chính thực tế của nhà máy để xây dựng giá bán đường hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích nông dân, nhà máy và người tiêu dùng, tuyệt đối không bán phá giá đường dưới giá thành sản xuất, không cạnh tranh “bẩn” bằng cách lôi kéo khách hàng của nhau, thiếu trung thực, độc quyền đầu cơ thương mại.

VSSA cho rằng, cần tăng cường liên kết giữa người trồng mía và các nhà máy bằng hệ thống chia sẻ (sharing). Trong bối cảnh thực hiện cam kết ATIGA xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ 01/01/2020, tất cả các nước trồng mía trong ASEAN như Thái Lan, Philippine, Indonesia… đều đã có mối liên kết chặt chẽ bằng hệ thống sharing quy định bởi pháp luật. Việc thiết lập hệ thống sharing giữa nông dân trồng mía và các nhà máy đường ở Việt Nam là hết sức cần thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành mía đường. Nhà nước cần có chính sách, hành lang pháp lý cho vấn đề này trên cở sở tỷ lệ chia sẻ lợi ích trong chuỗi mía/đường (nông dân- nhà máy) nằm trong khoảng 65/35 đến 70/30.

Ngoài ra, VSSA kiến nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả chống buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu, với các biện pháp và chế tài xử lý vi phạm mạnh mẽ hơn.

Ngọc Quỳnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục