Sẵn sàng nguồn nhân lực cho quá trình chuyển dịch năng lượng

(Banker.vn) Đảm bảo nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng cho phát triển năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.
Tổng cục Quản lý thị trường: Chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất và tiêu dùng bền vững Diễn đàn "SEMI SEA TalentCONNECT": Cơ hội phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam

Nhu cầu nhân lực xanh cho chuyển dịch năng lượng

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045, cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo (NLTT). Các nghiên cứu hiện nay cũng chỉ ra rằng, đối với năng lượng gió và mặt trời, khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao. Xu hướng lao động có tay nghề cao trong ngành dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong thập kỷ tới tại Việt Nam. Do đó, năng lực đào tạo tại các cơ sở đào tạo cần phải thích ứng với xu hướng phát triển này để có thể tạo ra việc làm và đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Sẵn sàng nguồn nhân lực cho quá trình chuyển dịch năng lượng
Các điều độ viên PC Đà Nẵng đang theo dõi vận hành hệ thống DAS. Ảnh: VNEEP

Do vậy, bồi dưỡng và nâng tầm kỹ năng cho người lao động là giải pháp cần thiết để hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, chuyển đổi việc làm. Từ đó, duy trì sinh kế và ổn định cuộc sống trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Thời gian qua, với tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành năng lượng Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã bộc lộ sự thiếu hụt lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực này từ khâu: Vận chuyển, lắp ráp, vận hành, kiểm định, giám sát đến bảo trì, bảo dưỡng. Điều này càng khó khăn hơn khi mà thời gian tới Chính phủ sẽ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và việc chuyển đổi năng lượng tại các nhà máy nhiệt điện than.

Ông Đinh Thế Phúc - Thành viên Hội đồng thành viên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - chia sẻ: Việc phát triển mạnh các dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi tiến tới chuyển đổi nhiên liệu, công nghệ tại các nhà máy nhiệt điện than sẽ cần nguồn nhân lực có kỹ năng lớn, từ lĩnh vực đầu tư - xây dựng, nhân viên tư vấn, xây lắp đến công tác vận hành. Ngoài ra, lĩnh vực gián tiếp là khu vực sản xuất thiết bị, vận chuyển, tư vấn, giám sát... sẽ tạo ra nhiều việc làm.

“Lĩnh vực vận hành, nối lưới cũng rất quan trọng, do đó các kỹ sư đang công tác tại các công ty truyền tải điện cũng cần phải được đào tạo để nâng cao kỹ năng kết nối. Thực tế có những thời điểm tỷ trọng NLTT lên đến 50% trong tổng nguồn cung (thời điểm Tết Nguyên đán), để đảm bảo an ninh - an toàn hệ thống điện, EVN đã mời các chuyên gia để đào tạo về NLTT cho đội ngũ vận hành” - ông Phúc cho biết.

Sẵn sàng nguồn nhân lực có kỹ năng

TS. Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết: Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cam kết của Chính phủ đạt phát thải ròng bằng 0 tại COP26 và Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng nông bằng (JETP) đã cộng hưởng mang lại sự thay đổi lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với Nghị quyết Đảng (Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII năm 2021) đã định hướng đến năm 2030: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên”; đồng thời xác định giải pháp “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là 1 trong 3 đột phá chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Do vậy, Việt Nam phải đảm bảo các kỹ năng cần thiết, cơ bản cho người lao động, cho từng ngành nghề, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng.

“Những kỹ năng cơ bản đó phải đáp ứng các yêu cầu: Thích nghi, thích ứng nhanh quá trình chuyển đổi của nền kinh tế, sức khỏe, an toàn và chuyển đổi số” - ông Trường nhấn mạnh và gợi ý, đối với lao động cho chuyển dịch năng lượng, các doanh nghiệp trước hết có thể sử dụng lao động có kỹ năng ở những ngành nghề tương đồng, sau đó từng bước chuẩn hóa thông qua đào tạo.

TS. Guido Hildner - Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam - cho biết, trong lĩnh vực tạo việc làm xanh, qua mối quan hệ hợp tác lâu dài, phía Đức đã nâng cao quá trình chuyển dịch việc làm cùng các đối tác Việt Nam như kỹ thuật điện, điện tử…, đào tạo kỹ năng cho học viên trong lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hàng năm có hàng chục nghìn sinh viên được hưởng lợi tại 11 trường nghề; trong đó 79% sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

“Rõ ràng, quản lý chuyển dịch năng lượng công bằng là vấn đề phức tạp nhưng với nhu cầu lao động cao, Việt Nam sẽ cần các quyết định mang tính lâu dài từ phía Nhà nước, sự thúc đẩy sáng tạo đổi mới trong khu vực công và tư nhân, huy động nguồn đầu tư công - tư, đặc biệt trong hiện đại hóa lưới điện cũng như tăng hơn nữa sản xuất điện NLTT” - Đại sứ Guido Hildner nói.

Theo ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, với cam kết mạnh mẽ về việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng, ban hành khung khổ chiến lược và chính sách mới liên quan để hiện thực hóa mục tiêu này.

Để đảm bảo chuyển dịch năng lượng hiệu quả, vấn đề chuyển dịch việc làm xanh, tìm kiếm các cơ hội việc làm công bằng trong thị trường lao động liên quan đến NLTT, năng lượng mới đòi hỏi sự chủ động có chiến lược, kế hoạch đầy đủ cho đào tạo, chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng xanh; đảm bảo vừa khai thác, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực hiện có, vừa ứng dụng, phát huy các thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ, các kỹ năng lao động mới liên quan đến chuyển dịch năng lượng.

Trần Kỳ

Theo: Báo Công Thương