Sẵn sàng cho lễ hội Tản Viên Sơn Thánh và khai mạc mùa du lịch Ba Vì

(Banker.vn) Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm nay sẽ khai hội từ ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 23/2), tại Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia đền Hạ, xã Minh Quang, huyện Ba Vì.
Ninh Bình: Hàng nghìn du khách về với lễ hội truyền thống động Hoa Lư Đặc sắc lễ hội Chọi trâu truyền thống Hải Lựu Hà Nội: Độc đáo lễ hội xin lửa lấy đỏ đầu năm mới ở làng An Định

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức rộng khắp vùng xứ Đoài Ba Vì, trong đó tập trung tại cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ thuộc địa phân hai xã Minh Quang và xã Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Đây là lễ hội lớn của vùng nhằm tưởng nhớ vị thần đứng đầu trong tứ bất tử theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Năm nay, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh 2024 được tổ chức với nhiều nội dung đặc sắc, lễ khai hội sẽ kết hợp với khai mạc mùa du lịch huyện Ba Vì.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh 2024: Lan tỏa các giá trị văn hóa
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức tại hai xã Minh Quang và xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Ảnh tapchinongthonmoi

Theo tương truyền, Đức Thánh Tản Viên Sơn sống vào thời Hùng Duệ vương thứ 18. Ngài là hiện diện của Tam vị sơn thần: Tuấn Công, Sùng Công và Hiển Công đã được lưu truyền qua hàng ngàn đời. Tục thờ cúng Đức Thánh Tản Viên Sơn đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ, tập trung ở Hà Nội và một số tỉnh như: Thanh Hóa, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Khu vực quanh núi Ba Vì (Hà Nội) là nơi phát tích và được coi là trung tâm thờ phụng Tản Viên Sơn Thánh.

Theo thống kê, huyện Ba Vì có số lượng di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh lớn nhất vùng với trên 100 di tích. Rõ ràng, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân.

Lễ hội gồm 2 phần lễ và hội.

Phần lễ: Sẽ diễn ra từ đêm 13 tháng Giêng với lễ rước nước từ sông Đà về làm lễ mộc dục tại đền Hạ. Trong nghi lễ này, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn đôi thiện nam - thiện nữ tài sắc vẹn toàn, nhân thân tốt. Đi theo tháp tùng là lãnh đạo địa phương, chủ nhang đền Hạ và quần chúng nhân dân cùng khách du lịch bốn phương. Đoàn người sẽ lên thuyền ra giữa dòng sông Đà trong đêm để lấy nước, mang về bao sái các đồ thờ tự tại đền Hạ.

Sau lễ rước nước là lễ rước kiệu dâng Thánh Mẫu và phụ thân Thánh Tản (từ đền Hạ sang đền Lăng Sương) và rước kiệu lễ, hạ lộc từ đền Lăng Sương về đền Hạ từ 5h30 đến 8h30 ngày 14 tháng Giêng. Sau khi làm lễ tại đền Lăng Sương, kiệu được rước trở về đền Hạ, xã Minh Quang. Phần lễ chính khai hội diễn ra với chương trình nghệ thuật trình diễn trống hội...

Năm nay, phần rước nước sẽ tổ chức ngắn gọn hơn, chỉ trên địa bàn huyện, không tổ chức liên vùng với huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) như năm trước, nhưng vẫn bảo đảm các nghi thức truyền thống.

Phần hội: Sẽ gồm nhiều hoạt động phong phú, mang bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc Kinh, Dao, Mường của huyện Ba Vì như: Thi bắn nỏ, cờ tướng, bóng chuyền nam, ném còn... Các trò chơi tại lễ hội chủ yếu mang tính thể thao quần chúng.

Cũng trong dịp này, huyện Ba Vì bố trí các gian hàng chợ quê để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của địa phương.

Trong ngày khai mạc Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, UBND huyện Ba Vì sẽ tổ chức khai mạc mùa du lịch Ba Vì 2024 nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch của huyện như: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức hàng năm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đối với người dân địa phương. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông để lại, từng bước phục dựng có chọn lọc các nghi thức lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Vì.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương