Saigonbank dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tiếp tục không chia cổ tức năm 2023

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, UPCOM: SGB) vừa công bố tài liệu để tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023, diễn ra vào ngày 27/04 tới đây, tại TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, Saigonbank đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Vốn huy động và dư nợ cho vay tăng lần lượt 6% và 6,9%, đạt 24.750 tỷ đồng và 20.915 tỷ đồng. Nợ xấu (nhóm 3-5) sẽ vẫn đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Saigonbank dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tiếp tục không chia cổ tức năm 2023
Về chất lượng tài sản, nợ xấu của Saigonbank tăng 22,2% lên 398 tỷ đồng

Bên cạnh đó, Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng gần 27% so với kết quả năm 2022.

Ngân hàng chia sẻ chỉ tiêu năm 2023 được đề ra trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình kinh tế.

Ngân hàng cũng đề ra 6 giải pháp lớn để thực hiện mục tiêu năm 2023: (1) tăng trưởng quy mô hoạt động, phát triển an toàn - bền vững; (2) chuyển đổi số hoạt động ngân hàng theo lộ trình phù hợp, làm nền tảng cung ứng đa dạng sản phẩm dịch vụ; (3) kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường xử lý thu hồi các khoản nợ tồn đọng; (4) nâng cao hệ thống quản trị điều hành, quản trị rủi ro; (5) quản trị nhân sự, thúc đẩy năng suất lao động; (6) nâng cao giá trị thương hiệu Saigonbank.

Đáng chú ý, ngân hàng không có kế hoạch tăng vốn cũng như chia cổ tức năm 2022 và 2023. Trong năm 2021, Saigonbank có kế hoạch chia cổ tức 5% cho cổ đông bằng tiền mặt. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó bị hoãn lại, với lý do tăng cường khả năng chống chịu trước đại dịch.

Nhìn lại năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 237 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ và vượt 25% kế hoạch năm (190 tỷ đồng).

Thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chính của ngân hàng, mang về 875 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt 38% và 20%. Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm 24% và 97% so với năm ngoái.

Trong năm 2022, Saigonbank cũng tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro. Cụ thể, ngân hàng đã trích hơn 250 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 61% so với cùng kỳ.

Tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn gần 27.700 tỷ đồng, tăng 12,6% so cùng kỳ. Cho vay khách hàng của ngân hàng tăng 13,4% lên trên 18.700 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng cũng tăng mạnh 13,2% lên gần 20.500 tỷ.

Về chất lượng tài sản, nợ xấu của ngân hàng tăng 22,2% lên 398 tỷ đồng, do nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gần 83% và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 32%. Điều này kéo theo tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank tăng từ 1,97% lên 2,12%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức 153%.

Đến lượt Dong A Bank giảm lãi suất huy động

Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) là ngân hàng tiếp theo công bố biểu lãi suất huy động mới với điều chỉnh giảm ...

Saigonbank chốt quyền tham dự ĐHCĐ thường niên 2023

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - UPCOM: SGB) vừa thông báo ngày chốt danh sách họp ĐHCĐ thường niên 2023.

Liên tục điều chỉnh giảm, thị trường vắng bóng mức lãi suất hơn 9%/năm

Xu hướng giảm lãi suất được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước vừa quyết ...

Băng Di

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục