SaigonBank có gì hấp dẫn khiến nhà đầu tư ngoại phải mạnh tay xuống tiền?

(Banker.vn) Khối ngoại vừa chi hơn 1.000 tỷ đồng để sở hữu 44 triệu cổ phiếu SGB của Ngân hàng Thương mại CP Sài gòn Công Thương (SaigonBank), gây xôn xao dư luận.
SaigonBank có gì hấp dẫn khiến nhà đầu tư ngoại phải mạnh tay xuống tiền?
Khối ngoại đã chi hơn 1.091 tỷ đồng để sở hữu 44 triệu cổ phiếu SGB.

Trong phiên giao dịch ngày 8/8, đã có hơn 58 triệu cổ phiếu SGB được trao tay với giá thỏa thuận bình quân 24.500 đồng/cp. Số cổ phiếu này có tổng giá trị ước tính lên đến hơn 1.422 tỷ đồng và chiếm gần 19% vốn điều lệ của SaigonBank.

Trong đó, thống kê giao dịch cho thấy, nhà đầu tư ngoại đã chi hơn 1.091 tỷ đồng để mua vào 44 triệu cổ phiếu SGB, tương ứng giá mua bình quân 24.800 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này tương đương với 14,3% vốn điều lệ của SaigonBank. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại SaigonBank đã được nâng lên mức 14,8%.

Cổ phiếu tăng “phi mã”, một nhà đầu tư “chốt lời” 560 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần

Trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 8 (31/7 – 4/8), cổ phiếu SGB của SaigonBank là một trong những mã cổ phiếu ngân hàng gây chú ý nhất khi tăng tới 35%, đóng cửa tại mức giá 19.500 đồng/cp, mức cao nhất kể từ đầu năm 2022 tới nay.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 4/8, trước thông tin công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Cao Trí - cựu Thành viên HĐQT của nhà băng này, cổ phiếu SGB ngay lập tức phản ứng trên sàn với mức tăng lên đến 11,7%.

Dữ liệu lịch sử giao dịch cho thấy, chỉ trong vòng 1 tháng, cổ phiếu SGB đã tăng gần 62%, từ mức 13.200 đồng/cp (ghi nhận trong phiên ngày 7/7). Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Không chỉ có vậy, khác với tình trạng thanh khoản thấp trước đây, cổ phiếu SGB liên tục ghi nhận những phiên giao dịch với giá trị lớn.

Trước phiên giao dịch nghìn tỷ ngày 8/8, một tuần trước đó, ngày 1/8, mã cổ phiếu này cũng từng ghi nhận một thương vụ trao tay có giá trị lên tới 863 tỷ đồng.

SaigonBank có gì hấp dẫn khiến nhà đầu tư ngoại phải mạnh tay xuống tiền?
Nhà đầu tư "ôm" lô cổ phiếu ngày 1/8 đã chốt lời 560 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần “lướt sóng”

Đáng chú ý, số lượng cổ phiếu được giao dịch là 58,7 triệu đơn vị. Như vậy, giá mua bình quân là khoảng 14.700 đồng/cp. Với những dữ liệu lịch sử này, nhiều khả năng, nhà đầu tư “ôm” lô cổ phiếu trong phiên ngày 1/8 đã bán ra 58 triệu cổ phiếu trong phiên ngày 8/8, nhanh chóng chốt lời 560 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần “lướt sóng”.

Tới nay, vẫn chưa có thông tin chính xác về việc nhà đầu tư đã lãi đậm khi lướt sóng cổ phiếu SGB là ai. Tuy nhiên, có thể chắc chắn nhà đầu tư này đã mua lại 58,7 triệu cổ phiếu từ Công ty CP Bất động sản BNP Global.

Cụ thể, số cổ phiếu SGB được giao dịch ngày 1/8 đúng bằng số cổ phiếu SGB được BNP Global dùng làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu mã BNPCH2123001 phát hành vào ngày 7/6/2021 và đáo hạn vào ngày 7/6/2023.

Lô trái phiếu này có giá trị 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại ngày đáo hạn, BNP Global vẫn chưa thanh toán 512,1 tỷ đồng tiền gốc, lãi của lô trái phiếu. Sau đó, BNP Global cho biết lô trái phiếu 500 tỷ đồng quá hạn đã được xử lý bằng cách bán tài sản đảm bảo.

SaigonBank đang làm ăn ra sao?

Theo tìm hiểu, SaigonBank là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của Việt Nam. Mặc dù thuộc nhóm nhà băng nhỏ nhất hệ thống nhưng SaigonBank lại khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư khi không cần bỏ ra quá nhiều tiền để có thể nắm quyền kiểm soát.

Về tình hình kinh doanh của SaigonBank, theo báo cáo tài chính quý II/2023, nhà băng này báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt hơn 183 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù kết quả khiêm tốn này chỉ xếp thứ 26 trên tổng số 28 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm nhưng nếu so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 300 tỷ đồng, tình hình hoạt động của SaigonBank vẫn đang cho thấy sự hiệu quả khi đã hoàn thành 61% kế hoạch năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng tài sản của Saigonbank rơi vào vào khoảng 26.849 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 26% còn 180 tỷ đồng, tiền gửi và cho vay tổ chức tín dụng khác giảm 21% còn 3.987 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chất lượng nợ vay của ngân hàng này đang giảm sút khi tổng nợ xấu tại ngày 30/6/2023 đã tăng 11% so với đầu năm, lên mức 441 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ là khoản tăng mạnh nhất. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,12% đầu năm lên 2,3%.

Về biến động nhân sự cấp cao, hồi đầu năm, SaigonBank đã thông báo ông Nguyễn Cao Trí, Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 “đương nhiên mất tư cách” và không còn là thành viên HĐQT của ngân hàng này kể từ ngày 19/1/2023 theo quy định tại Điều 35 Luật các Tổ chức tín dụng.

Hiện tại HĐQT SaigonBank bao gồm 5 người là ông Vũ Quang Lãm, ông Trần Thanh Giang, bà Trần Thị Phương Khanh, ông Trần Quốc Thanh và bà Phạm Thị Kim Lệ.

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán