Sacombank tiếp tục mang 18 khoản nợ của KCN Phong Phú ra đấu giá

(Banker.vn) Ngày 19/1, Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group tiếp tục thông báo tổ chức bán đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú do Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đề nghị. Đây là lần thứ 5 khoản nợ này được rao bán với giá khởi điểm là 7.934 tỷ đồng.

Giá rao bán trên không thay đổi so với lần đấu giá gần đây nhất ngày 22/12/2022. Vào tháng 3/2022, ngân hàng đã rao bán 18 khoản nợ này với giá khởi điểm là 14.577 tỷ đồng. Đến tháng 5/2022, giá rao bán giảm còn 11.810 tỷ đồng và tiếp tục giảm xuống 9.600 tỷ đồng vào tháng 9/2022.

Sacombank tiếp tục mang 18 khoản nợ của KCN Phong Phú ra đấu giá
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

Theo thông tin từ Sacombank, tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ phát sinh tại Sacombank và đã được bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ là quyền tài sản phát sinh từ toàn bộ lợi ích thu được từ quyền sử dụng đất đã đền bù thuộc Dự án KCN Phong Phú, tọa lạc tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM. Phía ngân hàng cho biết sẽ bán toàn bộ 18 khoản nợ, không tách rời.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh cho biết ngân hàng đang đấu giá khoản nợ liên quan đến KCN Phong Phú và UBND TP HCM đã có văn bản ngừng đấu giá.

Cổ đông Phong Phú trước đây mua cổ phần từ công ty nhà nước là Tân Thuận nên TP đang rà soát, giải quyết. Trong năm 2022, Sacombank sẽ đấu giá dứt điểm khoản nợ này. Tuy nhiên, cho đến nay, khoản nợ đã được rao bán với giá giảm nhiều lần nhưng vẫn "ế ẩm".

Về KCN Phong Phú, dự án này do Công ty CP Khu Công nghiệp Phong Phú làm chủ đầu tư, có quy mô 134 ha, trong đó có 67 ha đất KCN, 67 ha dành cho khu dịch vụ công nghiệp (nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện,…). Dự án nằm mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, liền kề với khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Về kết quả kinh doanh của Sacombank, theo báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm. Riêng trong quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần tăng trưởng 142%.

Năm qua, hoạt động chính mang về 17.147 tỷ đồng lãi thuần, tăng 43% so với cùng kỳ. Mảng hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận kết quả khả quan với 5.194 tỷ và 1.062 tỷ đồng lãi, tăng lần lượt 20% và 44%. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng đột biến 501% lên 2.745 tỷ đồng.

Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm đến 68%. Mảng chứng khoán đầu tư lỗ 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 164 tỷ đồng, dù vậy mảng này chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng.

Chi phí hoạt động trong năm qua của Sacombank tăng khoảng 12%, trong đó chi phí dự phòng rủi ro tăng 149% (tương đương mức trích dự phòng 3.288 tỷ đồng).

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13,1% đạt hơn 438.600 tỷ đồng.

Số dư tiền gửi khách hàng tăng 6,4% đạt 454.740 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% về 0,98%.

Đáng chú ý, chất lượng tài sản được cải thiện mạnh mẽ, trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 1,47% xuống còn 0,98%.

Hoàng Đức

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán