Sắc tím khó hiểu tại cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG)

(Banker.vn) Ngay sau khi bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai lại "đắt khách" đến bất ngờ...

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (6/9), cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) bất ngờ tăng kịch trần (+6,84%), đưa thị giá lên mức 6.560 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh của QCG hôm nay đạt 841.500 đồng/cổ phiếu và còn dư mua ở mức giá trần gần 300 nghìn đơn vị. Vốn hóa thị trường của Quốc Cường Gia Lai hiện ở mức hơn 1.800 tỷ đồng.

Sắc tím khó hiểu tại cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG)
Vốn hóa thị trường của Quốc Cường Gia Lai hiện ở mức hơn 1.800 tỷ đồng

Đáng nói, cổ phiếu QCG bất ngờ tăng trần ngay sau thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) ra quyết định đưa cổ phiếu QCG vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2024 của doanh nghiệp có lợi nhuận âm.

Tổng cộng, danh sách chứng khoán không được giao dịch margin trên HoSE hiện đạt trên dưới 100 mã. Các nguyên nhân bị HoSE cắt margin gồm chứng khoán thuộc diện cảnh báo/kiểm soát/hạn chế giao dịch; lợi nhuận sau thuế là số âm; báo cáo kiểm toán có ý kiến của đơn vị kiểm toán; thời gian niêm yết dưới 6 tháng…

Đáng chú ý, trong danh sách có nhiều cổ phiếu của các "ông lớn" trong nhiều lĩnh vực như LDG, ITA hay thậm chí cả HVN...

Quốc Cường Gia Lai báo lỗ kỷ lục

Trở lại với QCG, doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024, ghi nhận doanh thu thuần đạt 65,2 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, công ty ghi nhận lỗ ròng 16,6 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 13,7 tỷ đồng của nửa đầu năm 2023.

Ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai lý giải, sự sụt giảm mạnh trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay chủ yếu là do thị trường bất động sản gặp khó khăn. Đồng thời, sản lượng khai thác điện trong kỳ ở mức thấp do các nhà máy thủy điện không đủ nước để phát điện trong những tháng mùa khô cũng ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu.

Trong báo cáo soát xét bán niên 2024, quy mô công ty còn dưới 9.400 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ sau 7 năm và giảm gần 200 tỷ so với đầu năm. Nợ phải trả giảm về dưới 4.900 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 4.490 tỷ đồng.

Báo cáo cũng đề cập đến việc Quốc Cường Gia Lai bị Tòa án Nhân dân TP.HCM yêu cầu hoàn trả 2.882,8 tỷ đồng cho Công ty CP Đầu tư Sunny Island (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nhằm thi hành nghĩa vụ liên quan đến bà Trương Mỹ Lan vào ngày 11/4/2024.

Nếu hoàn trả đủ số tiền này, Quốc Cường Gia Lai sẽ nhận lại toàn bộ bất động sản và giấy tờ liên quan đến dự án Khu dân cư Phước Kiển, một dự án có quy mô hơn 90 ha mà công ty làm chủ đầu tư.

Trước đó, vào năm 2017, Sunny Island đã ký hợp đồng hứa mua dự án này và đã thanh toán 2.882 tỷ đồng, nhưng sau đó yêu cầu hoàn trả do nghi ngờ Quốc Cường Gia Lai có hành vi gian dối.

Ngày 23/4/2024, Quốc Cường Gia Lai đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân dân TP.HCM, đề nghị chỉ hoàn trả 50% giá trị hợp đồng, tương đương 1.441 tỷ đồng.

Lương lãnh đạo vẫn tăng gấp đôi

Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo lần này là mức thu nhập của dàn lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai. Mặc dù doanh thu sụt giảm mạnh và lợi nhuận lỗ kỷ lục nhưng thu nhập của 8 thành viên trong Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, và Ban Tổng Giám đốc công ty lại tăng gần gấp đôi.

Nửa đầu năm nay, bà Nguyễn Thị Như Loan vẫn là Tổng Giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị miễn nhiệm bà Loan vào tháng 7 năm nay, sau khi bà bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Sắc tím khó hiểu tại cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG)
Bà Loan bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"

Trong 6 tháng đầu năm, bà Loan và ông Lại Thế Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc cùng nhận mức thu nhập 66 triệu đồng trong nửa đầu năm, tương ứng 11 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này cũng tương đương cùng kỳ năm trước.

Các thành viên còn lại trong Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát nhận thu nhập từ 15 - 30 triệu đồng/6 tháng, tương đương mỗi tháng 2,5 - 5 triệu đồng.

Người nhận thù lao cao nhất là ông Phạm Hoàng Phương, Kế toán trưởng công ty. Ông Phương nhận thu nhập cao nhất với hơn 184 triệu đồng nửa đầu năm nay. Đây cũng là khoản tiền chính khiến cho tổng thu nhập của toàn bộ dàn lãnh đạo công ty tăng mạnh trong nửa đầu năm.

Không chỉ có thu nhập thấp, lãnh đạo cao cấp của công ty cũng là những "chủ nợ" chính của Quốc Cường Gia Lai. Tại thời điểm ngày 30/6, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận khoản vay cá nhân khoảng 32 tỷ đồng.

Trong đó có khoản nợ từ bà Nguyễn Thị Như Loan cho công ty mượn 2 tỷ đồng. Con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My cho công ty mượn 700 triệu đồng. Ông Lại Thế Hà và con gái Lại Thị Hoàng Yến cũng cho doanh nghiệp vay số tiền lần lượt gần 24 tỷ đồng và 5 tỷ đồng...

Cổ phiếu VNZ bất ngờ bị bán mạnh, có lúc nằm "kịch sàn"

Giá cổ phiếu VNZ bất ngờ rớt mạnh từ cuối phiên sáng hôm nay, thậm chí có lúc nằm kịch sàn ở đầu phiên chiều ...

Phải bán cổ phiếu để lấy tiền trả nợ, chuyện gì đang xảy ra với Siba Group (SBG)?

6 tháng đầu năm 2024, Siba Group ghi nhận doanh thu giảm 18%, lợi nhuận giảm tới 39% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cũng ...

Phiên chiều nhiều bất ngờ, chứng khoán kết tuần trong sắc xanh

Tưởng chừng như thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục có thêm một phiên điều chỉnh thì những bất ngờ tại phiên chiều cuối tuần ...

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán