“Rượu độc” có tới 58% methanol và cảnh báo ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc

(Banker.vn) Liên tiếp các vụ ngộ độc rượu trên toàn quốc gần đây tiếp tục cảnh báo người tiêu dùng về hậu quả nghiêm trọng khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc.
Vụ 8 sinh viên ngộ độc rượu, 2 người tử vong: Lời cảnh tỉnh về rượu không rõ nguồn gốc Vụ ngộ độc rượu 2 người tử vong: Chủ quán phải chịu trách nhiệm? Điều tra nguyên nhân 5 người ngộ độc sau bữa rượu ở Nghệ An

Rượu chỉ có 1% là ethanol, còn 58% là methanol!

Ngày 5/3 vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa cấp cứu trường bệnh nhân nữ 48 tuổi ngộ độc rượu đến nhập viện với tỉnh trạng ngất xỉu. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có tình trạng ngộ độc rượu, sau 12h điều trị bệnh nhân đã hồi phục. Rất may mắn là bệnh nhân được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không gặp các biến chứng do ngộ độc rượu gây ra.

Trước đó, đêm 13/2, năm người ở xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi tổ chức uống rượu tại nhà. Chỉ hơn một tiếng sau cuộc vui, cả năm người này bất ngờ xuất hiện tình trạng khó thở, mặt tím tái, sùi bọt mép, co giật.

Ghi nhận tại Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai, những tháng đầu năm Trung tâm cũng tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp (methanol) do sử dụng rượu không bảo đảm chất lượng. Các ca bệnh đều rất nặng, nồng độ methanol trong máu rất cao và đã có trường hợp tử vong.

“Rượu độc” có tới 58% methanol và cảnh báo ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc
Bệnh nhân ngộ độc rượu nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai

Điển hình là vụ bảy người cùng ngộ độc rượu tại tỉnh Thái Bình. Trước đó, họ đã cùng uống một loại rượu được pha chế từ cồn công nghiệp. Kết quả xét nghiệm phần rượu còn lại cho thấy chỉ có 1% là ethanol (rượu thông thường), còn 58% là methanol, trong khi đây là chất hóa học, chỉ dùng trong công nghiệp, chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng.

Nhận diện “rượu độc” methanol

TS, BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, về nhận diện, rượu được pha từ cồn công nghiệp methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a-xít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến bệnh viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt, tụt huyết áp, trong tình trạng nguy kịch.

Các chuyên gia cũng cho rằng, có hai loại ngộ độc rượu gồm ngộ độc mạn tính xảy ra với những người nghiện rượu và ngộ độc cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố methanol gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép (vì chất hóa học methanol độc hại này chỉ được dùng trong công nghiệp như chế biến sơn, đánh bóng đồ gỗ…).

Với ngộ độc rượu ethanol, triệu chứng từ nhẹ như hưng cảm, mất điều hòa, giảm khả năng phán xét, kích thích, hung hãn; đến nặng như hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở, sặc phổi, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, biến chứng hạ đường huyết.

Với ngộ độc rượu pha chế có methanol, lúc đầu biểu hiện giống ngộ độc ethanol, sau đó là giai đoạn ngộ độc thực sự (thường khoảng 8 giờ sau uống nếu là methanol đơn thuần, nhưng thường trong rượu uống có cả ethanol nên biểu hiện có thể chậm 18 - 24 giờ sau hoặc lâu hơn): thở nhanh, sâu, rối loạn về nhìn (nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm, thu hẹp thị trường, mù), nếu nặng đồng tử giãn, mạch nhanh, tụt huyết áp, co giật và có thể tử vong.

Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Lê Trung Mạnh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồ Uống Mới - đơn vị chuyên sản xuất rượu Vodka Sói đóng chai cho biết, hiện nay người tiêu dùng hay nhầm lẫn hai khái niệm “cồn phục vụ công nghiệp” và “cồn thực phẩm được sản xuất công nghiệp”. Nếu hiểu đúng thì cồn thực phẩm được sản xuất quy mô công nghiệp, được kiểm soát chất lượng bởi các quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, bởi các kỹ sư chuyên ngành, bằng các máy móc chuyên dụng, … mới đảm bảo là cồn sạch.

Bên cạnh đó, ngoài methanol là chất gây triệu chứng ngay lập tức sau khi uống là đau đầu, khát nước, … thì trong rượu có thể còn rất nhiều các tạp chất khác nếu không được xử lý đúng cách. Hậu quả của các tạp chất này phải một thời gian sau, sau khi tích đủ trong gan, trong nội tạng mới phát tác hậu quả. Việc xử lý các tạp chất này thì hầu hết các loại rượu thủ công không làm được. Trong những ngày Tết hoặc vui xuân năm mới, nhiều người đã uống phải rượu chứa cồn công nghiệp methanol sau đó uống tiếp các loại rượu thông thường thì không thể biết lúc nào tình trạng ngộ độc methanol mới phát tác do hiện tượng ethanol làm trì hoãn việc gây độc của methanol, và chắc chắn sẽ bị ngộ độc. Vấn đề khó là khi tình trạng ngộ độc xuất hiện chậm sau nhiều ngày thì rất dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác như bệnh mắt, bệnh khó thở, tai biến mạch não,… dẫn tới bị bỏ sót và chữa muộn, chữa không đúng, dẫn tới di chứng mù, hôn mê, thậm chí tử vong.

Các chuyên gia ngành công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm cho biết, cồn công nghiệp có hàm lượng methanol, aldehyt, độc hại cao, giá thành rẻ, pha chế dễ, cho nên nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh vì lợi nhuận đã dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu giả, bất chấp tính mạng, sức khỏe người sử dụng. Quy trình pha chế rượu bằng cồn công nghiệp rất đơn giản, đơn cử một lít cồn pha với ba lít nước lã, cho thêm hương liệu và mùi vị là có thể thành rượu.

“Rượu độc” có tới 58% methanol và cảnh báo ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội liên tiếp ra quân thu giữ và xử lý các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc

Theo các chuyên gia, để phòng tránh ngộ độc rượu được pha chế từ cồn công nghiệp methanol thì đầu tiên là khâu quản lý hóa chất. Do methanol là hóa chất nhập khẩu hoặc sản xuất công nghiệp lớn, nhưng đã bị “tuồn” ra ngoài thị trường, nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã sử dụng một cách bất hợp pháp vì mục đích lợi nhuận cao.

Làm gì để phòng tránh ngộ độc rượu?

Tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha chế từ cồn công nghiệp (methanol); không uống rượu khi đói và không uống nhiều. Ví dụ, với rượu sâm banh (nồng độ 11%) nên uống khoảng 150 - 200ml; rượu trắng (nồng dộ 35 - 40%) nên uống khoảng 25ml là vừa. Khi có biểu hiện say rượu cần tìm giải pháp nôn ra hết (như ngoáy họng), ăn chuối, uống sữa nóng hoặc trà đặc nóng….

Nguyễn Duyên

Theo: Báo Công Thương