‘Rủng rỉnh’ tiền, Sabeco lên kế hoạch thâu tóm hai công ty

(Banker.vn) Sau một năm “ăn nên làm ra”, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) đã lên kế hoạch nâng sở hữu Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tân và Công ty CP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn thành công ty con.

Vừa huy động 600 triệu USD từ nước ngoài, Masan dự định vay tiếp 650 triệu USD

Hội đồng quản trị Sabeco vừa thông qua chủ trương triển khai đề xuất nâng tỷ lệ của Sabeco tại Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tân (Sabibeco) và Công ty CP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn (gọi tắt là Bao bì Sài Gòn). Sau khi hoàn thành các thủ tục, hai công ty này sẽ trở thành công ty con của Sabeco.

Sabeco
Sabeco lên kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại Sabibeco và Bao bì Sài Gòn, đưa 2 doanh nghiệp này thành công ty con. Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, Sabeco đang đầu tư 446 tỷ đồng (chiếm 22,18% vốn điều lệ) vào Sabibeco và đầu tư 50 tỷ đồng vào Bao bì Sài Gòn. Nếu kế hoạch thành công, Sabeco sẽ nâng tổng số công ty con lên 27 thành viên.

Saibibeco, hiện doanh nghiệp này đang vận hành 6 nhà máy thành viên với tổng công suất sản xuất đạt 810 triệu lít bia/năm, gồm: Nhà máy Bia Sài Gòn - Hoàng Quỳnh (Quận Bình Tân - TP. HCM); Nhà máy Bia Sài Gòn - Bình Dương (Thị xã Dĩ An - Bình Dương); Nhà máy Bia Sài Gòn - Đồng Tháp (TP. Cao Lãnh - Đồng Tháp); Nhà máy Bia Sài Gòn - Ninh Thuận (TP. Phan Rang - Tháp Chàm - Ninh Thuận); Nhà máy Bia Sài Gòn - Phủ Lý (TP. Phủ Lý - Hà Nam); Nhà máy Bia Sài Gòn - Long Khánh (KCN Long Khánh - Đồng Nai).

Kể từ năm 2009 - 2017, doanh thu của Saibibeco luôn đều đặn khoảng 1.300 - 1.600 tỷ đồng/năm. Sang đến năm 2017, doanh thu của doanh nghiệp lần đầu vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng (đạt 2.456,5 tỷ đồng) và tiếp tục tăng trưởng tốt vào năm 2019, đạt 2.874 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng này chững lại vào năm 2020, khi doanh thu năm này sụt giảm 30%, còn 2.008 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu tiếp tục giảm, còn 1.957 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn 2020 - 2021, Sabibeco rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề, lần lượt lỗ sau thuế 107 tỷ đồng và 80 tỷ đồng. Đây cũng là hai năm doanh nghiệp bia này thua lỗ liên tiếp kể từ năm 2019. Tuy nhiên, dù lỗ 2 năm liên tiếp, song tại thời điểm cuối năm 2021, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Sabibeco vẫn dương 228 tỷ đồng.

Còn Bao bì Sài Gòn được thành lập vào năm 2007, sở hữu 2 nhà máy gồm: nhà máy sản xuất lon nhôm 02 mảnh và nhà máy thùng giấy bao bì Carton tại Khu công nghiệp Bắc Vinh (Nghệ An). Tháng 10/2018, công ty sáp nhập Công ty CP bao bì Sabeco Đồng Tháp và Công ty CP in và bao bì Minh Phúc, nâng vốn điều lệ tăng từ 300 tỷ đồng lên hơn 560 tỷ đồng.

Kế hoạch thâu tóm hai công ty trên đưa ra trong bối cảnh Sabeco “rủng rỉnh” tiền nhờ nguồn lợi nhuận lớn trong năm 2022. Năm qua, Sabeco làm ăn khá tốt khi doanh thu thuần tăng trưởng 33%, đạt 34.979 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 40%.

Sabeco cho biết thành quả trên là nhờ doanh nghiệp đã áp dụng chương trình hỗ trợ bán hàng cũng như các chương trình tiếp tục thúc đẩy các hoạt động bán hàng cho các nhãn hàng. Tính cả năm 2022, doanh nghiệp này đã chi 3.067 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mại, tăng khoảng 870 tỷ đồng so với năm trước.

Tính tới thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Sabeco là 34.465 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm (30.487 tỷ). Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền đạt 4.069 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng hơn 14% lên hơn 19.411 tỷ đồng - đều là tiền gửi có kỳ hạn. Như vậy, Sabeco có khoảng 23.480 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.

Vốn chủ sở hữu đạt hơn 24.590 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt gần 15.565 tỷ đồng.

Thảo Nguyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán