Rủ nhau “bùng” app vay tiền – đừng tham mà vi phạm pháp luật hình sự

(Banker.vn) Cùng với sự xuất hiện tràn lan và mất kiểm soát của các app vay tiền online, kéo theo đó là tình trạng hướng dẫn bùng tiền, lôi kéo nhau cùng bùng nợ.
Vay tiền qua app, chưa kịp nhận tiền đã bị lừa mất gần 700 triệu đồng Phụ huynh vay tiền qua App, giáo viên của con bị đe doạ

Nhiều hội nhóm hướng dẫn “bùng” nợ

Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm hướng dẫn bùng tiền vay qua ứng dụng (app) nở rộ, mọc lên như nấm có thể kể đến như: Hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó hơn 100.000 thành viên, 10 bài viết/ngày; Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó 64.000 thành viên với hơn 10 bài viết/ngày; Hội bùng app vay tiền - chia sẻ kinh nghiệm thoát app hơn 14.000 thành viên và 10 bài viết/ngày…

Rủ nhau “bùng” app vay tiền – Coi chừng phạm luật
Chỉ nhau cách vay nợ, "bùng" nợ tràn lan trên mạng xã hội

Trong những hội nhóm này, phổ biến nhất là những câu hỏi về cách vay, cách bùng nợ. Đơn cử, tài khoản N.K đăng tải dòng trạng thái: Các bác cho em hỏi, em 19 tuổi chưa đi làm không biết có vay ở đâu được tầm 10-20 triệu không ạ? Đã thử momo, viettel money đều không được”. Dưới bài đăng là hàng loạt bình luận chỉ dẫn cách làm hồ sơ, giới thiệu app, không mất phí, không sợ lộ thông tin…

Tài khoản B.T chia sẻ trong nhóm Hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó: “Nhận hỗ trợ bùng app phí sau. Mọi người sẽ được cho vào nhóm kín trên zalo anh chị đang được hội em hỗ trợ lưu ý chỉ hỗ trợ bùng cho những ai không đủ khả năng, trả nợ app không hỗ trợ vay app”.

Nguy hiểm hơn, có những người chia sẻ câu chuyện của bản thân và động viên các thành viên khác trong nhóm “bùng” nợ, “Cứ ngày này tháng nọ chạy đầu này đầy kia đắp vào app chẳng thấm thía vào đâu nên tôi quyết định bùng, quyết định và trải qua rồi mới nhẹ người, bùng là cách tốt nhất để thoát chúng. Tôi đăng lên đây tâm sự cùng anh/em và cũng để khẳng định với anh/em là bùng app không đáng sợ như anh/em nghĩ.”, tài khoản T.B chia sẻ.

Một thành viên còn khoe trong một ngày, đã đăng ký vay thành công tại 3-5 app như MaxDong, Hoahạ, Hoasen, Canvay. Nếu mỗi ứng dụng được duyệt vay từ 3-5 triệu đồng, như vậy một ngày họ có thể vay số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Để có thể được duyệt số tiền vay ở nhiều ứng dụng như vậy, tài khoản này không chỉ sử dụng sim rác, tài khoản mạng xã hội ảo mà còn tinh vi sử dụng giấy tờ tùy thân giả.

Dưới bài viết của các tài khoản này đều có hàng trăm bình luận chúc mừng và xin đường link các app này để đăng ký khoản vay, có người than đã nhiều ngày mà chưa “cày” được app nào.

Ngoài ra, nắm được điểm yếu về sự không chính thống của những ứng dụng vay tiền online, hạn chế sử dụng hình thức đòi nợ thuê, khủng bố gia đình, người thân, người vay tin rằng sự việc này không thể đưa ra pháp luật để giải quyết. Từ đó, hình thành ý thức coi thường trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ, bất chấp hệ quả của người đi vay.

Đừng tham mà vi phạm pháp luật

Nhận định về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Xuân Sang – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, xét trên góc độ pháp luật, hành vi này nằm trong sự điều chỉnh của pháp luật hình sự, theo Điều 175 thì đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tức là, bằng những hợp đồng trên các ứng dụng nhưng đây cũng là một hình thức của hợp đồng để họ vay được tiền nhưng không trả lại.

Rủ nhau “bùng” app vay tiền – Coi chừng phạm luật
Luật sư Nguyễn Xuân Sang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

“Những người bùng nợ, xù nợ là đang vi phạm Điều 174, 175 của Bộ luật Hình sự. Đó là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Dù là số tiền nhỏ nhưng nó cũng có khả năng để người tham gia hoạt động bùng nợ, xù nợ này vướng phải vấn đề pháp lý. Nhẹ thì xử phạt hành chính 50-100 triệu đồng. Nặng hơn thì có thể bị khởi tố, phạt tù”, Luật sư Sang nhấn mạnh.

Theo ông Trình Quốc Hưng, Học viện An ninh nhân dân, những người này họ nghĩ đơn thuần là lập ra những tài khoản ảo, sử dụng sim số ảo để vay những khoản vay, sau đó họ không trả, họ xù nợ luôn. Xét trên góc độ pháp luật, khi họ vay tiền là họ phải có trách nhiệm với khoản vay.

Nếu lãi suất của app cho vay đó cao hơn so với bình thường thì họ hoàn toàn có thể nhờ đến sự can thiệp của pháp luật để ra quyết định xử phạt với các app này hoặc điều chỉnh mức lãi suất phù hợp với những quy định hiện hành. Thế nhưng họ lại không làm như vậy, họ lập ra những hội nhóm để tiến hành bùng nợ, xù nợ. Họ vừa là nạn nhân mà cũng là những người vi phạm pháp luật”, ông Hưng cho biết thêm.

Cũng theo các chuyên gia, để tránh hiện tượng các hội nhóm chia sẻ thông tin sai lệch, tiêu cực, lôi kéo người khác phạm tội, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay tiền qua app, cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật đối với dịch vụ cho vay tiền qua app vay tiền online, xây dựng và công bố công khai danh sách các app vay tiền online hợp pháp để người dân nắm rõ app nào hợp pháp app nào không hợp pháp trước khi quyết định vay tiền. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh cho vay tiền online bất hợp pháp và xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung và vay tiêu dùng qua các app vay tiền online nói riêng.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi vay tiền online, người dân nên tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín được nhà nước cho phép hoạt động, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…). Đồng thời, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app, web.

Nguyễn Ngọc

Theo: Báo Công Thương