"Rộng cửa" cho hàng Việt xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử xuyên biên giới

(Banker.vn) Với dự báo thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới có thể đạt đến 300.000 tỷ đồng vào năm 2026, là cơ hội để hàng Việt rộng cửa xuất khẩu.
Xuất khẩu trực tuyến sẽ là động lực tăng trưởng mới Cơ hội xuất khẩu trực tuyến ''sải cánh'' từ lợi thế các FTA thế hệ mới

Hiện nay, trong bối cảnh thị trường thương mại quốc tế đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Sự phát triển của thương mại điện tử đã mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp có thể tiếp cận các thị trường mới và phát triển kênh bán hàng trực tuyến để đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng trên toàn thế giới. Với dự báo thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới có thể đạt đến 300.000 tỷ đồng vào năm 2026. Vậy đâu là cơ hội, thách thức và Việt Nam cần làm gì để chạm được mục tiêu này? Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Khanh - đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để hiểu rõ hơn vấn đề này.

Sự xuất hiện của kênh xuất khẩu trực tuyến được coi là “cứu cánh” giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, trở thành con đường nhanh nhất để đưa hàng Việt ra thế giới. Thưa ông, ông có thể chỉ ra những cơ hội và thách thức đặt ra đối với xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam hiện nay?

Ông Võ Văn Khanh - đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

Xuất khẩu trực tuyến – thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu, tăng cường sự tin cậy và uy tín, tối ưu hóa chi phí và thời gian: Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được một lượng lớn người tiêu dùng trên toàn thế giới thông qua Internet, từ đó mở rộng phạm vi tiêu thụ sản phẩm.

Việc hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử uy tín có thể giúp doanh nghiệp xây dựng và củng cố uy tín của mình trên thị trường quốc tế. Đồng thời xuất khẩu trực tuyến giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí và thời gian liên quan đến việc tiếp cận thị trường nước ngoài so với các phương pháp truyền thống.

Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng đem lại những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp như khả năng cạnh tranh; hạ tầng và công nghệ, khả năng đổi mới sáng tạo. Môi trường thương mại điện tử đang trở nên ngày càng cạnh tranh, đặc biệt là khi thị trường đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số làm gia tăng sự cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng phải đối mặt với các thách thức về việc phát triển hạ tầng và công nghệ, cùng với đó là yêu cầu đổi mới sáng tạo trước sự thách thức của các doanh nghiệp nước ngoài.

Thời gian qua, VECOM đã rất tích cực cùng các đơn vị, doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Ông có thể chỉ ra sự phối hợp của VECOM và Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử?

Trong thời gian gần đây, thông qua sự phối hợp của VECOM và Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, hoạt động xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử xuyên biên giới đã đạt được một số kết quả nhất định: Các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng được thị trường xuất khẩu thông qua việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và tham gia vào các sự kiện, triển lãm trực tuyến quốc tế.

Hoạt động xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử đã góp phần tăng cường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và thời trang. Việc tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp các doanh nghiệp xây dựng và củng cố uy tín của mình trên thị trường quốc tế.

VECOM thường có sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và ngành nghề liên quan. VECOM thường hợp tác với các bộ, ngành và doanh nghiệp khác trong việc tổ chức các sự kiện, chương trình hỗ trợ và đào tạo, nhằm thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Trong giai đoạn tới, phía VECOM sẽ thúc đẩy sản phẩm Việt tham gia chương trình đánh giá sản phẩm phù hợp kênh thương mại điện tử xuyên biên giới tại các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Lào. Hy vọng đây sẽ là chương trình mang lại hiệu quả cho cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường này.

Đồng thời, nhằm tạo điều kiện kết nối thương mại điện tử B2B, chúng tôi đang hỗ trợ và đồng hành cùng các sở ban ngành địa phương tổ chức chương trình triển lãm trực tuyến và liên kết vùng nhằm kết nối và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs) có cơ hội tiếp cận các nhà phân phối trong ngoài và nước, tiến hành đánh giá thị trường qua kênh online.

Với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20%, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Ông đánh giá thế nào về những thuận lợi, hạn chế của các quy định, nghị định hiện nay đối với lĩnh vực phát triển thương mại điện tử nói chung và xuất khẩu trực tuyến nói riêng?

Hiện nay, các quy định và nghị định liên quan đến lĩnh vực phát triển thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến ở Việt Nam đang trong quá trình điều chỉnh và hoàn thiện để phản ánh sự phát triển của thị trường và đáp ứng các yêu cầu mới.

Tuy nhiên hiện một số quy định vẫn còn hạn chế về tính linh hoạt và chưa kịp thời cập nhật theo sự thay đổi của công nghệ và thị trường. Như là cần có các quy định rõ ràng và nghiêm túc về bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, bao gồm quy định về an toàn thông tin và quyền lợi của người tiêu dùng. Các quy định cần thiết lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp.

"Rộng cửa" cho hàng Việt xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử xuyên biên giới

Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ giải pháp giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling phối hợp tổ chức ngày 24/5/2024. Ảnh MOIT

Về phía Chính phủ, cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các quy định hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và bảo vệ đúng mức các bên. Cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến, bao gồm hỗ trợ về hạ tầng, tài chính và đào tạo. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến, từ đó tạo ra một môi trường hoạt động tích cực và bền vững.

Việc hoàn thiện các quy định, nghị định liên quan đến thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến cùng với việc thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ và hợp tác có thể giúp lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Hiện nay, thị trường quốc tế đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Để tận dụng được thời cơ, theo ông, các SMEs Việt Nam phải làm gì để chạm được "giấc mơ" đưa hàng Việt chinh phục thị trường quốc tế qua thương mại điện tử?

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa tầng nấc, từ đó tạo ra nhiều cơ hội mới cho lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến.

Các FTA giúp giảm hoặc loại bỏ các mức thuế và rào cản thương mại, tăng cường sức cạnh tranh cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam; các FTA cũng thúc đẩy sự hài hòa và đồng nhất trong việc áp dụng các tiêu chuẩn và quy định về thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tuân thủ và tiếp cận các thị trường nước ngoài.

Mặc dù cơ hội rất lớn, song qua rất nhiều hoạt động hỗ trợ các SMEs tại các thành phố lớn và ở các địa phương, chúng tôi nhận thấy các SMEs còn rất nhiều hạn chế như chưa biết làm thương hiệu, thiếu kinh nghiệm giao thương quốc tế, đàm phán, không có kinh nghiệm về hải quan và logicstic.

Theo đó, để có thể tiếp cận các thị trường mới và đưa sản phẩm của mình đến với khách hàng trên toàn thế giới, các SMEs tại Việt cần thực hiện một chiến lược toàn diện, kết hợp giữa việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, xây dựng và quản lý kênh bán hàng trực tuyến, hợp tác và liên kết với các đối tác để tận dụng tối đa cơ hội từ thương mại điện tử xuyên biên giới.

Cụ thể các SMEs cần tiếp tục nghiên cứu và nắm bắt các xu hướng và nhu cầu của thị trường quốc tế để phát triển sản phẩm và dịch vụ phù hợp, cạnh tranh; phát triển và quản lý các kênh bán hàng trực tuyến như website, cửa hàng trực tuyến, các nền tảng thương mại điện tử, đầu tư vào các chiến lược quảng cáo để tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới; đảm bảo rằng sản phẩm và dịch vụ của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu của thị trường quốc tế để tạo lòng tin và thu hút khách hàng.

Đồng thời, cần tìm kiếm cơ hội hợp tác và liên kết với các đối tác trong và ngoài nước, bao gồm nhà sản xuất, nhà phân phối, các đối tác vận chuyển và thanh toán, để mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động; đào tạo, phát triển nhân lực để nắm bắt các kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực thương mại điện tử và quản lý kinh doanh trực tuyến.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương