RCEP: Thúc đẩy tăng trưởng thương mại Malaysia và Việt Nam

(Banker.vn) Việc thực thi hiệp định RCEP cho phép cả Malaysia và Việt Nam thiết lập một liên minh kinh tế hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư trong khu vực.
Hiệp định UKVFTA tác động tích cực đến tăng trưởng thương mại của 5 thành phố trung ương ASEAN 42: Thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam - Brunei

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tạo ra một mối quan hệ mới cho thương mại toàn cầu, với tổng giá trị thương mại dự kiến tăng gần 42 tỷ USD. Trong ASEAN, Malaysia dự kiến sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất từ RCEP về kim ngạch xuất khẩu với mức tăng dự kiến 200 triệu USD.

Đối với Việt Nam, Malaysia và Việt Nam có lịch sử hữu nghị và hợp tác rực rỡ trong các lĩnh vực quan trọng về kinh tế, thương mại và đầu tư. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Malaysia trên toàn cầu, trong khi ở ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Malaysia, chỉ sau Singapore, Indonesia và Thái Lan. Lũy kế đến hết năm 2022, Malaysia cũng là nhà đầu tư lớn thứ 4 của Việt Nam. Tất cả những con số này cho thấy sự vững chắc trong mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.

Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nông sản, thủy sản lớn trên thế giới, có vị trí địa lý gần những thị trường tiêu dùng sản phẩm Halal và là một nước hội nhập sâu. Nhiều quốc gia Hồi giáo là các thị trường tiêu dùng hoặc xuất khẩu sản phẩm Halal lớn trên thế giới như: Ả Rập Saudi, Indonesia, Malaysia… quan tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong đầu tư, phát triển ngành hàng Halal.

RCEP: Thúc đẩy tăng trưởng thương mại Malaysia và Việt Nam
Việt Nam có lợi thế xuất khẩu thực phẩm sang các thị trường Halal - Ảnh minh họa

Theo Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), Việt Nam có nhiều cơ hội sản xuất và xuất khẩu thực phẩm Halal nhờ vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong Nhóm công tác ASEAN về thực phẩm Halal cũng tạo cơ hội kết nối Việt Nam với các thị trường châu Á. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal.

Bên cạnh đó, trong khối ASEAN, Malaysia là một trong những nước có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Halal chiếm tỷ lệ cao. Theo Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia (MITI), kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Halal của Malaysia ước đạt 113,2 tỷ USD vào năm 2030. Thực phẩm và đồ uống là mặt hàng xuất khẩu chính trong nền kinh tế Halal, tiếp đến là nguyên liệu Halal, mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân, dầu dừa và hóa chất công nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp Malaysia cần nguồn cung nguyên liệu nông, thủy sản ổn định và bền vững của Việt Nam.

Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN mới chỉ đạt trên 26,37 tỷ USD, trong đó lớn nhất là Indonesia 10,18 tỷ USD. Malaysia cũng được các chuyên gia đánh giá là "khát" nguồn cung các sản phẩm Halal, và vẫn còn khoảng 80% trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ Halal để đáp ứng nhu cầu...

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù nhu cầu thị trường lớn nhưng để xuất khẩu sản phẩm Halal thì các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là quy trình khắt khe của việc xin chứng nhận Halal. Chứng nhận Halal thậm chí còn phức tạp hơn các chứng nhận khác do quy trình kiểm tra không thống nhất. Không có tổ chức quốc tế thống nhất nào cấp chứng chỉ Halal. Thay vào đó, mỗi quốc gia có các cơ quan riêng của mình. Do đó, sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định của quốc gia sản xuất và cả quốc gia nhận hàng.

Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ quan nhà nước hướng dẫn và cấp chứng nhận Halal, mà chỉ có vài tổ chức tư nhân, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và phát sinh chi phí lớn, làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Mặt khác, do những khó khăn và quy định của tiêu chuẩn Halal đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, các sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là nông sản, nguyên liệu đầu vào cho một số ngành như nước giải khát… Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân khiến khoảng 41% địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal.

Bà Rosmizah Binti Mat Jusoh - Lãnh sự Thương mại - Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, đang có khoảng cách giữa cung cầu sản phẩm cho thị trường Halal và Việt Nam còn non trẻ trong thị trường Halal nên cần xây dựng hệ sinh thái cho sản phẩm Halal. "Còn nhiều việc phải làm, nhiều cơ hội chưa khai mở. Doanh nghiệp cần hợp tác logistics, xây dựng năng lực nội tại. Chúng tôi có thể hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất từng bước xây dựng quy trình đạt chuẩn Halal cho sản phẩm" - bà Rosmizah Binti Mat Jusoh cho biết.

Để không bị lỡ nhịp trong tiếp cận thị trường Halal, ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” do Bộ Ngoại giao chủ trì. Đây là đề án đầu tiên đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.

Bên cạnh đó, hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hóa của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi thương mại cho xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Halal. Đến nay, Việt Nam đã ban hành 4 tiêu chuẩn quốc gia TCVN về lĩnh vực Halal (Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung; Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; Thức ăn chăn nuôi Halal; Thực phẩm Halal - Yêu cầu đối với giết mổ động vật).

Hai nước cũng đặt mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 18 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn; hạn chế áp dụng các rào cản thương mại, tận dụng tốt các cơ hội từ các thỏa thuận thương mại khu vực hai bên cùng tham gia như RCEP, CPTPP. Các chuyên gia đánh giá, đây là nền tảng vững chắc để thúc hợp tác thương mại, đầu tư hai nước Việt Nam - liên tục phát triển trong tương lai. Trong đó, việc thực thi hiệp định RCEP cho phép cả Malaysia và Việt Nam thiết lập một liên minh kinh tế hiện đại, toàn diện, hàng đầu và cùng có lợi. Quan hệ đối tác này sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư trong khu vực, từ đó đóng góp đáng kể vào sự tiến bộ, phát triển kinh tế toàn cầu.

RCEP đã tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, là nền tảng tốt để các thành viên hiệp định tăng cường hợp tác. Việc khai thác tốt các lợi thế của hiệp định có thể thúc đẩy phát triển các nền kinh tế thành viên, góp phần vào hội nhập kinh tế khu vực cũng như toàn cầu.

Hà Hương

Theo: Báo Công Thương