Rà soát lại, kiên quyết loại những dự án không đúng với tiêu chí của Quốc hội

(Banker.vn) Cho ý kiến về việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, các cơ quan rà soát lại, những dự án không đúng tiêu chí của Quốc hội đã quyết sẽ kiên quyết loại. Nếu có thay đổi phải có báo cáo trình Quốc hội cho ý kiến.
Cho ý kiến về việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, các cơ quan rà soát lại, những dự án không đúng tiêu chí của Quốc hội đã quyết sẽ kiên quyết loại. Nếu có thay đổi phải có báo cáo trình Quốc hội cho ý kiến.

Sáng 13/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2).

Trình bày Báo cáo tóm tắt về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng, hoàn thiện các danh mục nhiệm vụ, dự án Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc là rất nghiêm túc, chặt chẽ, kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng, mục tiêu quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Trên cơ sở rà soát tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nguyên tắc, tiêu chí về phân bổ, bố trí vốn cho danh mục các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cho ý kiến về 129 dự án thuộc Chương trình với số vốn dự kiến là 14.710,315 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn. Ngoài ra, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, hiện còn 40 dự án với số vốn dự kiến là 10.819,685 tỷ đồng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.

Chính phủ cũng đề nghị, Ủy ban cho ý kiến điều chỉnh giảm 8.528 tỷ đồng kế hoạch vốn của chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải thực hiện 4 dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc để điều chỉnh tăng tương ứng cho 10 địa phương thực hiện các dự án thành phần đã được Thủ tướng Chính phủ phân cấp. Trên cơ sở đó, 10 địa phương thực hiện giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của chương trình năm 2023 cho từng dự án thành phần do mình quản lý.



Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Nghĩa Đức)

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, 129 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến là 14.710,315 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình để Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ đề nghị rà soát kỹ về thời hạn hoàn thành các dự án; khẩn trương giao vốn, phân bổ cho các dự án cụ thể, phù hợp với nguyên tắc, tiêu chí; đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương có giải pháp đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân theo yêu cầu quy định tại Nghị quyết 43.  

Đối với số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đủ thủ tục đầu tư (14.151,685 tỷ đồng), Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục theo quy định của Nghị quyết 43, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31.3.2023 theo quy định tại Khoản 10, Điều 2 Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Sau thời hạn trên, số vốn còn lại của Chương trình không thực hiện phân bổ tiếp. Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành cho phép điều chỉnh giảm 8.528 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ cơ bản tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những gì Quốc hội trao. Do đó, đề nghị các cơ quan rà soát lại theo ý kiến thẩm tra. Theo đó, những dự án không đúng tiêu chí của Quốc hội đã quyết thì loại ra. Nếu có thay đổi phải trình Quốc hội cho ý kiến.

Nhấn mạnh việc giải ngân vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội muộn chỉ được kéo dài đến quý I.2024, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với các dự án, nhiệm vụ phải giải ngân kéo dài đến năm 2025 thì các bộ, ngành, địa phương phải tự bổ sung lượng kinh phí còn lại để triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tính toán thêm về cơ cấu vốn và cho rằng đối với việc điều chỉnh tên dự án là quá trình tất yếu trong quá trình chuẩn bị và thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm. 

Đối với các dự án của Trung ương, nhất là dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tình hình thu ngân sách trong các năm 2021, 2022 đều tốt, nhưng dự báo thu ngân sách địa phương trong hai năm 2024, 2025 có thể sẽ không được như dự kiến, một số địa phương phản ánh có khả năng cam kết vốn cho dự án quan trọng quốc gia có thể không đạt. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, địa phương đã cam kết là phải làm và không làm được thì phải chịu trách nhiệm, những nội dung Quốc hội đã có nghị quyết vào thì phải thực hiện đúng Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Chính phủ rà soát lại danh mục các dự án, nhiệm vụ, kiên quyết loại những dự án, nhiệm vụ không đúng với Nghị quyết của Quốc hội./.

 
Theo Minh Thư/dangcongsan.vn
Theo: Tạp chí Ngân hàng