Quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

(Banker.vn) Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.
Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 7/3 Khai mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tạo điều kiện và phân bổ nguồn lực cho Bình Định phát triển

Đáp ứng kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra

Tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 09 luật và 11 nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng. Có 01 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 28/11/2023; 01 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024; 05 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024; 04 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; các nghị quyết còn lại có hiệu lực ngay từ khi được Quốc hội thông qua; ngoài ra, một số điều khoản cụ thể trong luật có hiệu lực sớm hoặc muộn hơn so với hiệu lực chung của luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Khái quát những nội dung mới, nổi bật của cả 09 luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các luật đã được Quốc hội thông qua đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện thể chế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, không phân biệt, đối xử giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, giữa các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả quản lý nhà nước, thể hiện rất cụ thể trong nhiều quy định của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Căn cước số 26/2023/QH15 và các luật khác.

Các luật đã được Quốc hội thông qua đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước, trong đó làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của trung ương, thực hiện việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nhưng gắn với đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì cũng như có các cơ chế phù hợp giữa các cơ quan chuyên môn có liên quan kiểm soát, giám sát cụ thể, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu tổng hợp thống nhất, kết nối, chia sẻ.

Đồng thời, các luật đã được Quốc hội thông qua đáp ứng kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra, bảo đảm nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bổ sung các quy định để nội luật hóa các điều ước quốc tế, bảo đảm phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong các hoạt động có liên quan, đáp ứng yêu cầu chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo đúng chủ trương của Đảng.

Cùng với đó, các luật và nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua được dư luận xã hội đánh giá cao, trong đó có nhiều ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá cao cả về quá trình, cách thức hoàn chỉnh dự thảo, thời điểm xem xét, biểu quyết thông qua. Các nội dung của các luật bước đầu nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, nhất là đối với những nội dung trọng tâm, những quy định mới.

Bên cạnh đó, kỳ vọng các quy định này sẽ được các cơ quan triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Điều quan trọng tiếp theo là việc tổ chức triển khai cần phải được tiến hành rất khẩn trương, đồng bộ, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đưa các quy định mới của luật đi vào thực tế và phát huy tác dụng trong cuộc sống.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, nhất là các chính sách, quy định mới, đặc thù, các chính sách, quy định có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật; khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 400 nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội.

Mặt khác, cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, thực hiện phân cấp, phân quyền theo đúng quy định; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cả về nguồn nhân lực, điều kiện bảo đảm; tăng cường công tác tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định…

Thực hiện tốt công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết

Báo cáo việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua 09 luật, 11 nghị quyết quan trọng liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quyền, lợi ích trực tiếp của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, giải quyết nhiều vấn đề chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật sau quá trình rà soát như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Viễn thông, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng…

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang

Trong năm 2023, Chính phủ đã thông qua 49 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, dự thảo nghị quyết, ban hành 93 nghị định, 01 nghị quyết liên tịch; Thủ tướng Chính phủ ban hành 33 quyết định quy phạm pháp luật.

Để có kết quả này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong việc chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, tập trung đề xuất giải quyết các vấn đề khó, phức tạp.

Trong năm 2023, bên cạnh các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức tới 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; Thường trực Chính phủ thường xuyên thảo luận, cho ý kiến các đề nghị xây dựng và các dự án luật, dự thảo nghị quyết; lãnh đạo Chính phủ tăng cường làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, dự thảo nghị quyết.

Thực tế, Chính phủ đã ban hành 264 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.742 quyết định cá biệt, 32 chỉ thị, 104 công điện và nhiều văn bản chỉ đạo; Văn phòng Chính phủ ban hành 814 thông báo kết luận chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để xử lý các công việc thuộc thẩm quyền.

"Nhằm triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, thực hiện chủ trương “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống" - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Mặc dù, trong quá trình triển khai thi hành còn có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sức ép về mặt tiến độ, phạm vi, khối lượng công việc cũng như những khó khăn xuất phát từ nội tại vấn đề nội dung giao quy định chi tiết, nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện tốt công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động, trách nhiệm, khẩn trương và phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 và đã có Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 trình Quốc hội về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Năm 2023, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương, tăng cường cải cách thủ tục hành chính; đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động xây dựng pháp luật.

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 19/2/2024 với rất nhiều các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và đôn đốc việc soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, sau khi kết thúc các kỳ họp của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các luật, nghị quyết đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Ở một số địa phương cũng đã và đang nghiên cứu để ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết, trong đó dự kiến phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành hữu quan để triển khai thực hiện sâu rộng đến nhân dân tại cơ sở.

Hơn nữa, sau khi các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, việc phổ biến luật, nghị quyết đã được thực hiện. Cụ thể: Đa số các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện lồng ghép nội dung chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến luật, nghị quyết mới trong kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024; 27/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch, công văn hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết mới; các bộ, cơ quan ngang bộ đã tổ chức các hội nghị tập huấn, biên soạn tài liệu phục vụ việc phổ biến, giới thiệu luật, nghị quyết đến người dân và doanh nghiệp...

Trên cơ sở kết quả các Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết, trong đó xác định rõ tên văn bản, nội dung giao quy định chi tiết, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp và thời hạn trình, ban hành văn bản.

Để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ ban hành 56 văn bản (29 nghị định, 05 quyết định, 22 thông tư) để quy định chi tiết 10 luật, nghị quyết.

Hiện nay, các bộ được giao chủ trì soạn thảo đang tiến hành triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với quyết tâm cao nhằm bảo đảm về tiến độ và chất lượng của văn bản.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương