Quyết liệt, bản lĩnh khi vừa chống dịch, vừa "mở cửa" kinh tế

(Banker.vn) Thành công của cuộc chiến chống dịch Covid-19 khẳng định tinh thần người Việt, nhất là sự bản lĩnh, quyết liệt khi vừa chống dịch vừa mở cửa phát triển kinh tế.
TPP - Mở cửa kinh tế mạnh hơn, cạnh tranh gay gắt hơn TP. Hồ Chí Minh kiến nghị cho phép áp dụng quy định riêng mở cửa kinh tế

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương, ngày 29/10, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đưa ra các bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19.

Bài học thứ nhất là sớm thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Tại TP. Hồ Chí Minh, ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/01/2020, nhưng nhờ có Ban chỉ đạo và các biện pháp kịp thời nên trong 3 đợt đầu đã kiểm soát được dịch, đến đợt dịch thứ tư thì thành phố tiếp tục củng cố Ban Chỉ đạo cũng như tiến hành đồng bộ các biện pháp từ giãn cách xã hội, các biện pháp y tế, các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm an sinh cho đến củng cố, động viên, phối hợp tất cả các lực lượng trong phòng, chống dịch.

Quyết liệt, bản lĩnh khi vừa chống dịch, vừa
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bài học thứ hai là về vai trò của Hội đồng chuyên môn y tế.

Thành phố đã kịp thời huy động các chuyên gia y tế, các nhà quản lý đương chức và hưu trí để lắng nghe các đề xuất, các kiến nghị, các biện pháp y tế, như lập các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, các trung tâm hồi sức, phân tầng trong điều trị, lập các trạm y tế lưu động, việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, lập các tổ phản ứng nhanh về y tế, ví dụ cung cấp oxi, cấp cứu… Chính những ý kiến, biện pháp này đã giúp cho công tác phòng chống dịch ở thành phố đạt được kết quả, mặc dù tình hình rất phức tạp.

Bài học thứ ba là ứng xử chính sách và sự phối hợp điều hành của các ngành, các cấp trên địa bàn.

Việc này ảnh hưởng rất lớn, thậm chí có tính chất quyết định đến kết quả phòng chống dịch như việc bố trí nguồn lực cho phòng chống dịch, chiến lược vaccine; việc sản xuất, lưu thông, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp. Phản ứng chính sách cũng như sự phối hợp điều hành là rất quan trọng.

Bài học thứ tư là về mở cửa và tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế.

"Chúng tôi thấy các quyết định phòng chống dịch đã khó, quyết định "mở cửa" càng khó hơn. Thành phố "mở cửa" nền kinh tế từ ngày 01/10/2021, lúc này cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí không đồng tình, phản đối, nhưng thành phố trên cơ sở đánh giá tình hình đã mạnh dạn "mở cửa" song song với các biện pháp tiếp tục kiểm soát phòng chống dịch" - ông Mãi nói.

Cũng theo ông Mãi, thành phố đã triển khai 12 chiến lược thành phần. Ngay từ cuối năm 2021, Thành ủy đã có Nghị quyết số 05 và chúng tôi kiên trì lãnh đạo triển khai các biện pháp này. "Đặc biệt, tại Hội nghị Thành ủy vào quý 3 vừa qua, chúng tôi đã tiến hành Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 05, thấy rằng vẫn phải tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế" - ông Mãi cho biết.

Thay mặt Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Đại diện WHO chỉ rõ có 6 bài học, yếu tố mà Việt Nam đã thực hiện hiệu quả để thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 để chuyển phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Bà Angela Pratt cho rằng, trong những ngày đầu của đại dịch, Việt Nam đã kiểm soát số ca nhiễm và tử vong ở mức rất thấp nhờ các quyết sách kịp thời của Chính phủ trong việc triển khai một loạt các biện pháp xã hội và y tế công cộng hiệu quả.

Quyết liệt, bản lĩnh khi vừa chống dịch, vừa
TS Angela Pratt: Cách thức ứng phó COVID-19 của Việt Nam đã trở thành hình mẫu tham khảo cho nhiều quốc gia về nhiều phương diện - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Việt Nam đã triển khai một chiến dịch bao phủ vaccine thần tốc bao gồm cả nỗ lực đảm bảo vaccine đến được với mọi người trên đất nước. WHO đã tự hào được đồng hành, hỗ trợ những nỗ lực này cùng với các đối tác như UNICEF để đưa hơn 70.000.000 liều vaccine COVID-19 về Việt Nam thông qua cơ chế Covac.

"Chiến dịch triển khai vaccine đặc biệt này đã tạo tiền đề cho việc mở cửa lại theo từng giai đoạn mà Việt Nam cũng là một trong những điểm phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất trong khu vực, và cách thức ứng phó của Việt Nam trước đại dịch covid 19 đã trở thành hình mẫu tham khảo cho các quốc gia khác. Thay mặt cho WHO tôi xin đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong đó có Bộ Y tế, cũng như đội ngũ nhân viên y tế, doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác vì những nỗ lực của tất cả các bạn"- bà Angela Pratt nói

Kết luận tại hội nghị, từ những kinh nghiệm và bài học trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, trong phòng chống dịch, chúng ta đã phát huy rất tốt mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".

Kết quả là chúng ta đã đi sau về trước trong phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh, trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế xã hội trong nước từ ngày 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ ngày 15/3/2022. Đặc biệt, từ một nước tiếp cận sau về vaccine, có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất và là quốc gia duy nhất trong nhóm này có dân số đông khoảng 100 triệu người.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng được thúc đẩy. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đối ngoại và hội nhập được tăng cường và mở rộng. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.

Tính đến 31/12/2022, đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh khoảng 451 nghìn tỷ đồng; giảm, hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khoảng 50 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng khoảng 13 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ trên 47,2 nghìn tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các địa phương cũng chủ động triển khai chương trình an sinh xã hội và thực hiện hỗ trợ với hàng chục nghìn tỷ đồng. Tổng cộng, công tác an sinh xã hội đã được triển khai với khoảng 120 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 68 triệu lượt người và 1,48 triệu người sử dụng lao động, 150 nghìn tấn gạo được xuất cấp...

Quyết liệt, bản lĩnh khi vừa chống dịch, vừa
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam trở thành một trong những nước "đi sau nhưng về trước" về phòng chống dịch - Ảnh VGP/Nhật Bắc

"Thành công của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn và thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, thắng lợi đại dịch COVID-19 là thắng lợi của nhân dân, dưới sự lãnh đạo kịp thời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành của Chủ tịch nước, Quốc hội, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của chính quyền các cấp; sự ủng hộ, tin tưởng, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Ngọc Linh

Theo: Báo Công Thương