Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

(Banker.vn) Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo của ba tháng trước đó.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

(Ảnh minh họa)

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 và áp dụng chiến lược sống chung với COVID-19 cũng như tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn.

Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh và chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, cùng với đó là hoạt động sản xuất tăng cao và sự phục hồi trong hoạt động bán lẻ và du lịch.

Mới đây, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức dự báo của 3 tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 còn 6,7%, tức giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, con số này vẫn khả quan so với viễn cảnh u ám ở các nước khác và là mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á.

Theo báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF, thể chế tài chính này dự báo mức tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á lần lượt giảm còn 4,2% và 4,6% năm 2022 và năm 2023.

Bài viết đề cập đến áp lực lạm phát của Việt Nam chủ yếu ở một số hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ liên quan như vận tải. Người tiêu dùng hầu như không bị ảnh hưởng bởi giá thực phẩm tăng vọt trên toàn cầu vì nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn giảm so với mức đỉnh của năm 2021, giá gạo vẫn rẻ hơn so với các loại ngũ cốc khác như lúa mì. Hơn nữa, giá các dịch vụ như y tế và giáo dục cũng tăng vừa phải.

Tại Việt Nam, giá tiêu dùng trong bảy tháng kể từ đầu năm 2022 vẫn tăng nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước. Sự phục hồi kinh tế chậm chạp trong năm 2021 đã giúp duy trì mức lạm phát cơ bản thấp hơn các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, lạm phát có thể gia tăng khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Chi phí vận tải và các mặt hàng như phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng có thể khiến giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tăng, gây thêm áp lực lạm phát.

Bên cạnh những yếu tố tích cực nêu trên, kinh tế Việt Nam cũng gặp phải những trở ngại do tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống 3,2% trong năm 2022 và 2,9% trong năm 2023 do xung đột Nga-Ukraine, trong khi Trung Quốc và nhiều nền kinh tế phát triển đang suy giảm.

Sự suy giảm này sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là từ các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, Việt Nam đang siết chặt các quy định tài chính khi Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Việc này làm tăng chi phí tài chính và có thể khiến dòng vốn chảy ra ngoài.

Thêm nữa, bất ổn về thương mại toàn cầu và thị trường tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi, đặc biệt nếu một số ngành không thể tiếp cận hàng hóa trung gian cần thiết do chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Điều đó có thể làm giảm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, làm chậm tốc độ tăng trưởng sản xuất và công nghệ...

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục