Quỹ ngoại báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu tại Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT – sàn HOSE). Cụ thể, ngày 12/12, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa mua vào 400.000 cổ phiếu FRT để nâng sở hữu từ 6,8% lên 7,14% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ thực hiện mua vào 400.000 cổ phiếu là Norges Bank.
Trước đó, ngày 9/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã mua vào 300.000 cổ phiếu FRT; và ngày 30/11, nhóm Dragon Capital mua thêm 300.000 cổ phiếu FRT.
Động thái của Dragon Capital diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu FRT vừa có quãng phục 21% từ đáy. Dù vậy, so với đỉnh mức giá 3 chữ số hồi tháng 4, thị giá FRT còn kém tới gần 35% giá trị. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/12, cổ phiếu FRT giảm 0,67% về mức 74.500 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 1,2 triệu đơn vị.
Ở một diễn biến khác, FPT Retail dự kiến góp thêm 225 tỷ đồng vào Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu, tương ứng mua thêm 22,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, nếu góp vốn thành công, FPT Retail sẽ nâng sở hữu từ 85,07% lên 89,83% vốn điều lệ tại Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu. Trong đó, vốn điều lệ của Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu sẽ tăng lên 450 tỷ đồng.
Tâm lý thị trường và những bất ổn về việc tăng lãi suất đè nặng lên giá cổ phiếu FRT
Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research nhận định vị thế đòn bẩy cao, dòng tiền âm liên tục từ hoạt động kinh doanh và kế hoạch mở mới ồ ạt khiến FRT dễ bị ảnh hưởng bởi các đợt tăng lãi suất. Trong ngắn hạn, lợi nhuận ròng trong quý 4/2022 dự báo giảm mạnh, tâm lý thị trường yếu và những bất ổn về việc tăng lãi suất sẽ đè nặng lên giá cổ phiếu FRT.
Trong quý 3/2022, kết quả kinh doanh của FRT được cải thiện đáng kể từ mức thấp của cùng kỳ năm ngoái, thời điểm công ty phải đóng cửa hàng tại các tỉnh thành miền Nam để tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội.
Doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 7,7 nghìn tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ, tăng 24% so với quý trước) và 85 tỷ đồng (tăng 81% so với cùng kỳ, tăng 47% so với quý trước). Lũy kế, doanh thu thuần và LNST trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt lần lượt 21,7 nghìn tỷ đồng (tăng 55% so với cùng kỳ) và 301 tỷ đồng (tăng 178% so với cùng kỳ), hoàn thành 80% và 51% kế hoạch năm. Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện từ 13,9% trong quý 3 năm 2021 lên 15,5% trong quý 3 năm 2022.
Theo SSI, lợi nhuận ròng của FRT tăng 81% trong quý 3/2022 từ mức cơ sở so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái, thời điểm công ty phải tạm thời đóng cửa các cửa hàng do giãn cách xã hội. Tuy nhiên, do các yếu tố như nhu cầu suy yếu cùng với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô giảm sút, iPhone 14 về chậm, mức nền so sánh cao của quý 4 năm 2021 khi công ty được hưởng lợi từ doanh số bán máy tính xách tay tăng vọt và nhu cầu bị dồn nén, và thu nhập tài chính thuần giảm do lãi suất tăng và tỷ lệ nợ vay cao, ước tính lợi nhuận ròng trong quý 4 năm 2022 của FRT sẽ giảm 72% so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 dự báo lần lượt đạt 396 tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ) và 429 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ).
Mặc dù nhu cầu đối với các sản phẩm ICT trong năm tới sẽ ảm đạm, lợi nhuận sau thuế năm 2023 vẫn có thể tăng 8% so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận cao hơn từ chuỗi nhà thuốc Long Châu (lợi nhuận sau thuế dự báo lần lượt đạt 62 tỷ đồng và 96 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023) và việc chậm ghi nhận doanh thu từ iPhone 14 trong năm 2022 sẽ được chuyển sang ghi nhận trong năm 2023.
Anh Khôi
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|