Quỹ ngoại rót nhiều tiền hơn mở ra triển vọng tích cực dài hạn cho TTCK Việt Nam

(Banker.vn) Số lượng các quỹ chủ động vào ròng đã có sự cải thiện, trong khi đó mức độ rút ròng ở một số quỹ cũng đã giảm dần theo tháng. Triển vọng dài hạn tích cực đối với TTCK Việt Nam đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu kích hoạt dòng tiền từ các quỹ chủ động giải ngân.

Theo báo cáo mới nhất của SSi Research, dòng vốn ETF giao dịch khá cân bằng trong tháng 8 với tổng giá trị ròng chỉ đạt 37 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng giá trị dòng vốn ETF duy trì vào ròng 8.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu xem xét xu hướng từng quỹ, dòng vốn ghi nhận sự phân hóa khá mạnh giữa các quỹ. Cụ thể, trong tháng 8, mức rút ròng mạnh đến từ các nhóm quỹ ETF liên quan đến VFM như VFM VNDiamond, rút vốn trong tháng thứ hai liên tiếp với giá trị lên đến -891 tỷ đồng (tăng 70% so với tháng trước) hay VFM VN30 bị rút ròng -205 tỷ đồng.

Điều này đã làm trung hòa xu hướng vào ròng từ nhóm quỹ ngoại như quỹ FTSE Vietnam ETF với giá trị vốn vào ròng đạt tăng 652 tỷ đồng, quỹ Fubon (tăng 256 tỷ đồng) hay quỹ nội như SSIAM VNFIN Lead (tăng 140 tỷ đồng) hoặc một số quỹ có giá trị vào nhỏ hơn như KIM VN30 ETF, Premia Vietnam, Mirae Assets VN30.

Quỹ ngoại rót nhiều tiền hơn mở ra triển vọng tích cực dài hạn cho TTCK Việt Nam

Trên thực tế, với diễn biến tích cực của chỉ số SET INDEX (Thái Lan) trong thời gian qua, dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân ở Thái Lan đã phần nào đảo chiều khi chúng tôi quan sát lượng chứng chỉ lưu kí DR FUEVFVND (FUEVFVND01), dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF, trên Sở GDCK Thái Lan, giảm xuống còn 76 triệu chứng chỉ FUEVFVND vào cuối tháng 8, từ mức 77,2 triệu đơn vị vào cuối tháng 7.

Dòng tiền từ các quỹ chủ động tích cực hơn trong tháng 8 với diễn biến giải ngân đồng đều hơn. Trái với xu hướng phân hóa ở các quỹ ETF, các quỹ chủ động đã tích cực giải ngân vào thị trường Việt Nam trong tháng 8, với mức vào ròng khoảng 260 tỷ đồng. Tính chung trong 8 tháng, các quỹ chủ động rút ròng khoảng 840 tỷ đồng, tập trung vào tháng 2 và tháng 3.

Quỹ ngoại rót nhiều tiền hơn mở ra triển vọng tích cực dài hạn cho TTCK Việt Nam

Số lượng các quỹ chủ động vào ròng đã có sự cải thiện, trong khi đó mức độ rút ròng ở một số quỹ cũng đã giảm dần theo tháng. Triển vọng dài hạn tích cực đối với TTCK Việt Nam đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu kích hoạt dòng tiền từ các quỹ chủ động giải ngân.

Giao dịch khối ngoại mua ròng trên thị trường chứng khoán trong tháng 8, với tổng giá trị là 980 tỷ đồng, tập trung ở các cổ phiếu trong ngành tài chính-ngân hàng. Trên thực tế, có sự chuyển dịch trong giao dịch khối ngoại giữa các quốc gia trong khu vực Châu Á. Cụ thể, khối ngoại tại khu vực ASEAN và Ấn Độ đã đảo chiều sang mua ròng trong 2 tháng trở lại đây khi hưởng lợi từ căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Đài Loan, và từ những thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Diễn biến dòng vốn vào TTCK Việt Nam trong tháng 8 không có quá nhiều khác biệt so với kỳ vọng. SSi Research vẫn duy trì góc nhìn trung lập đối với xu hướng dòng tiền trong ngắn hạn, khi khó có thể loại trừ áp lực lên dòng vốn trong bối cảnh những rủi ro từ bên ngoài vẫn được duy trì, đặc biệt là xu hướng mạnh lên của đồng USD.

Tuy nhiên, NHNN đã có những động thái cho thấy cam kết duy trì môi trường tỷ giá ổn định, và triển vọng tích cực về dài hạn đối với TTCK Việt Nam (bao gồm việc hưởng lợi từ việc chuyển dịch dòng vốn từ Trung Quốc) sẽ giúp kích hoạt dòng tiền giải ngân từ các quỹ chủ động.

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán