Quỹ ngoại chi hơn 128 tỷ đồng mua lượng lớn cổ phiếu KBC của Đô thị Kinh Bắc

(Banker.vn) Nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa mua thêm cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (sàn HoSE) để nâng sở hữu lên 8,43% vốn điều lệ.

Cụ thể, ngày 12/10, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa mua vào hơn 5,5 triệu cổ phiếu KBC để nâng sở hữu từ 7,71% lên 8,43% vốn điều lệ.

Quỹ ngoại chi hơn 128 tỷ đồng mua lượng lớn cổ phiếu KBC của Đô thị Kinh Bắc
Quỹ ngoại chi hơn 128 tỷ đồng mua lượng lớn cổ phiếu KBC của Đô thị Kinh Bắc

Trong đó, Norges Bank mua vào 2 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0,66% lên 0,92% vốn điều lệ; CTBC Vietnam Equity Fund mua vào 1,55 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 2,02% lên 2,22% vốn điều lệ; DC Developing Markets Strategies Public Limited Company mua vào 1,5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 1,01% lên 1,2% vốn điều lệ; và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) mua vào 468.000 cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0 cổ phiếu lên 468.000 cổ phiếu, tương đương 0,06% vốn điều lệ.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 12/10, cổ phiếu KBC giảm 150 đồng về mức 23.250 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt hơn 5,7 triệu đơn vị. Như vậy, tính theo giá đóng cửa ngày 12/10, ước tính nhóm Dragon Capital đã đầu tư thêm 128,29 tỷ đồng để sở hữu hơn 5,5 triệu cổ phiếu KBC.

Bối cảnh nhóm Dragon Capital mua vào là cổ phiếu KBC vừa trải qua chuỗi giảm điểm khá mạnh. Cụ thể, từ ngày 1/8 - 14/10, cổ phiếu KBC giảm 42,7% từ 39.550 đồng về 22.650 đồng/cp. Nếu tính từ ngày 28/12/2021 tới nay, cổ phiếu KBC đã giảm 51,4% từ giá 46.580 đồng/cp.

Diễn biến thị giá cổ phiếu SIP thời gian gần đây (Nguồn: TradingView).
Diễn biến thị giá cổ phiếu KBC thời gian gần đây (Nguồn: TradingView).

Trong một diễn biến khác, Công ty CP Đầu tư Vinatex – Tân Tạo (Vinatex - Tân Tạo), tổ chức có liên quan đến bà Đặng Nguyễn Quỳnh Anh, Thành viên HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu KBC.

Giao dịch dự kiến thực hiện trong ngày 10/10/2022, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, Vinatex - Tân Tạo sẽ nâng sở hữu tại KBC từ 34,25 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,46% lên 39,25 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,11% và trở thành cổ đông lớn của Kinh Bắc.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Kinh Bắc (Đầu tư Kinh Bắc), cổ đông lớn thứ hai sau ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC thông báo đã mua 1,5 triệu cổ phiếu KBC. Ước tính Đầu tư Kinh Bắc đã bỏ ra khoảng 41,85 tỷ đồng để mua vào 1,5 triệu cổ phiếu KBC.

Lợi nhuận KBC “bốc hơi” 92% sau kiểm toán khiến doanh nghiệp chuyển từ lãi thành lỗ

Thời gian gần đây, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc là cái tên rất đáng chú ý trên thị trường chứng khoán khi lợi nhuận "bốc hơi" gần 92% sau kiểm toán. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 giảm từ 2.457 tỷ đồng trong báo cáo hợp nhất tự lập xuống 200 tỷ đồng trong báo cáo soát xét, tương ứng mức giảm 91,8%(chênh lệch tới 2.256 tỷ đồng).

Nguyên nhân khác biệt là do trên BCTC hợp nhất bán niên tự lập năm nay, KBC ghi nhận thu nhập từ chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng. KBC cho biết, theo báo cáo tư vấn thẩm định giá độc lập, giá trị hợp lý tài sản thuần của Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng ước tính là khoảng 4.805 tỷ đồng.

Câu chuyện lợi nhuận thay đổi sau kiểm toán có liên quan khá mật thiết tới chất lượng lợi nhuận. Báo cáo bán niên của một số doanh nghiệp đã cho thấy chất lượng lợi nhuận thấp, mà trường hợp điển hình KBC.

Khoản lãi của KBC có thể nói là một hiện tượng của mùa báo cáo bán niên 2022, nhưng không phải một điều mới lạ. Đây thực chất là việc đánh giá lại tài sản mua rẻ, nghiệp vụ được nhiều doanh nghiệp bất động sản sử dụng và ghi nhận lợi nhuận lớn trong thời gian qua như Khang Điền, Nam Long, Novaland... Thủ thuật này tạo ra khoản lợi nhuận đẹp mắt trên báo cáo kết quả kinh doanh, song chất lượng lợi nhuận lại thấp.

Là đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính cho KBC, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y) nhận định do số lượng tài sản lớn và tính định giá phức tạp, việc soát xét định giá trên chưa được hoàn tất. EY cũng lưu ý Đô thị Kinh Bắc về việc kế toán ban đầu của giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng đang được xác định tạm thời trên BCTC hợp nhất bán niên trên giá trị sổ sách của tài thuần của công ty này tại ngày mua. Vì vậy, việc hoàn tất kế toán ban đầu sẽ được thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày mua.

Do đó, trên BCTC bán niên, KBC sẽ chưa ghi nhận thu nhập từ giao dịch định giá tài sản này. Công ty cho rằng, việc hoàn tất kế toán tạm thời hay đánh giá lại tài sản của Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng sẽ được ghi nhận sau khi EY hoàn thành việc soát xét định giá và ghi nhận vào BTCT hợp nhất năm 2022.

Trước đó, ngày 30/6, KBC hoàn thành mua thêm 5,7 triệu cổ phần của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng để nâng sở hữu từ 19,5% vốn lên 48% vốn. Giá trị chuyển nhượng không được tiết lộ. Do ghi nhận Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng là công ty liên kết nên khoản mục này đã tăng từ 1.872 tỷ đồng đầu năm lên 4.407 tỷ đồng vào cuối quý II. Với ghi nhận giá trị 2.493 tỷ đồng cho phần vốn góp 48%, tương ứng phần giá trị doanh nghiệp của Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng là 5.194 tỷ đồng, so với vốn điều lệ chỉ 200 tỷ đồng.

Trong trường hợp của Đô thị Kinh Bắc, không khó để nhìn ra “điểm bất thường”, đó là liệu có công ty nào có vốn chủ sở hữu lên tới hàng ngàn tỷ đồng lại chấp nhận bán cổ phần của mình với giá 10.000 đồng/cổ phần cho một công ty khác? Đó là chưa kể Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng lại là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) - một tập đoàn cũng do ông Đặng Thành Tâm (đương kim chủ tịch HĐQT KBC) làm chủ tịch HĐQT.

Có thể thấy, vì nhiều lý do khác nhau, các doanh nghiệp đã giải trình biến động mạnh sau kiểm toán, nhưng thực tế biến động này đã diễn ra và ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư, cổ phiếu và thị trường. Bởi báo cáo tài chính là một trong những tài liệu làm căn cứ đánh giá về tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp khi nhà đầu tư mua cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu biến động theo các con số mà doanh nghiệp công bố.

Trong phân tích tài chính, có ít nhất 7 trường hợp để xem đó là khoản lợi nhuận có chất lượng thấp. Một là lợi nhuận đến từ đánh giá lại hàng tồn kho. Hai là lợi nhuận đến từ việc thanh lý công ty con. Ba là lợi nhuận đến từ việc bán cho công ty sân sau chưa thu tiền. Bốn là lợi nhuận đến từ giao dịch thâu tóm và đánh giá lại công ty. Năm là lợi nhuận tạo ra khoản đầu tư vào công ty sân sau. Sáu là lợi nhuận tạo ra khoản trả trước nhà cung cấp là bên liên quan. Bảy là lợi nhuận tạo ra khoản xây dựng cơ bản dở dang dự án đình trệ kéo dài.

KBC thuộc vào trường hợp thứ tư – “lợi nhuận đến từ giao dịch thâu tóm và đánh giá lại công ty”.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Chào bán cổ phiếu ESOP cho 14 cá nhân không đủ điều kiện, Danh Khôi (NRC) bị phạt 335 triệu đồng

Ngày 12/10/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối ...

Lạc lối trong “rừng nguyên sinh” UPCoM

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có một khu vực tồn tại sự vô lý mà ai cũng nhận ra, đó là sàn UPCoM. ...

Nhìn lại khuyến nghị cổ phiếu của các công ty chứng khoán tuần từ 10-14/10/2022

Sau năm tuần giảm điểm liên tiếp, thị trường hồi phục trở lại trong tuần giao dịch 10-14/10, phần nào giúp giải tỏa tâm lý ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán