Quy mô và hình thức đầu tư
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong văn bản đề xuất hồi giữa tháng 10/2024, UBND tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đã phân tích sự cần thiết đầu tư dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt dựa trên hiện trạng giao thông, nhu cầu vận tải, phát triển du lịch, kinh tế - xã hội và yêu cầu bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn tham gia ý kiến về phương án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương (hình minh họa) |
Hiện nay, Quốc lộ 27C là tuyến đường độc đạo nối TP. Nha Trang với TP. Đà Lạt, trên tuyến có đèo Khánh Lê dài khoảng 30 km, địa hình quanh co hiểm trở, không thuận tiện cho các phương tiện vận tải trọng tải lớn. Tuyến đường này thường xuyên xảy ra sạt lở vào mùa mưa bão, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, trong khi nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc CT.25 Nha Trang - Liên Khương có chiều dài 85 km, điểm đầu tại đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; điểm cuối tại đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư sau năm 2030.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đề xuất tổng chiều dài tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương là 99 km, chia thành 2 đoạn: Nha Trang - Đà Lạt dài 80,8 km và Đà Lạt - Liên Khương dài 18,2 km. Hai tỉnh đề xuất đầu tư giai đoạn 1 từ Nha Trang đến Đà Lạt.
Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT có sự tham gia vốn nhà nước, phù hợp với quy định của Luật PPP và chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 25.058 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 18.889 tỷ đồng, với chiều dài tuyến khoảng 80,8 km, quy mô 4 làn xe theo quy hoạch; trung bình suất đầu tư khoảng 233,775 tỷ đồng/km.
Tại Quyết định số 816/QĐ-BXD ngày 22/8/2024 của Bộ Xây dựng, suất đầu tư 1 km đường cao tốc (bao gồm cả cầu và xử lý nền đất yếu) là 187,246 tỷ đồng/km; trường hợp không có cầu và xử lý nền đất yếu là 144,633 tỷ đồng/km.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương rà soát, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư dự án phù hợp, bảo đảm tính hợp lý, chính xác.
Đề xuất đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo hình thức PPP
Vào giữa tháng 10/2024, UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đã gửi Tờ trình số 11614/LT-KH-LĐ lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT có sự tham gia của vốn Nhà nước. Dự án này do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đề xuất, với đơn vị lập báo cáo là Công ty Cổ phần Tư vấn Trường Sơn.
Theo đề xuất, tuyến cao tốc sẽ có điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, và điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương - Prenn tại phường 3, TP. Đà Lạt. Tổng chiều dài tuyến là 80,8 km, trong đó đoạn qua Khánh Hòa dài khoảng 44 km và đoạn qua Lâm Đồng dài khoảng 36,8 km.
Dự án được đề xuất đầu tư một lần theo quy mô quy hoạch với 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường từ 22 m đến 24,75 m. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2024 đến 2028, trong đó giai đoạn xây dựng từ năm 2026 đến 2028.
Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Nha Trang và Đà Lạt xuống còn khoảng 1,5 đến 2 giờ, thay vì 3,5 đến 4 giờ như hiện nay, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh cho cả hai địa phương.
Lãnh đạo hai tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đầu tư dự án trước năm 2030; ưu tiên bổ sung dự án vào danh mục đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của ngành Giao thông Vận tải; đồng thời chấp thuận phương án đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Hai tỉnh cũng thống nhất kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án PPP này.
Cao tốc Dầu Giây-Tân Phú 8.981 tỷ đồng: Dự kiến chọn xong nhà đầu tư vào tháng 1/2025 Dự án đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú (giai đoạn 1) vừa phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến hoàn tất chọn nhà đầu ... |
Những cái tên nổi bật được kỳ vọng hưởng lợi từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực ... |
Nhiều dự án giao thông trọng điểm vẫn thiếu vật liệu Vật liệu còn thiếu, công suất khai thác chưa đáp ứng đang khiến các dự án giao thông trọng điểm khó hoàn thành theo kế ... |
Nguyễn Hoàng