Quý IV, Hưng Thịnh Incons lỗ ròng 44 tỷ đồng, tổng nợ gấp 5 lần VCSH

(Banker.vn) Năm 2022, cùng với khó khăn chung của ngành xây dựng, Công ty CP Hưng Thịnh Incons (Hưng Thịnh Incons, HOSE: HTN) cũng chứng kiến kết quả kinh doanh sụt giảm; tình hình tài chính, chất lượng tài sản xấu đi trông thấy.

'Nhọc nhằn' của Coteccons: Thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác, nợ vay tăng 'dựng đứng' hàng trăm lần

Năm 2022 là một năm vô cùng khó khăn của ngành xây dựng khi chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng phi mã, số lượng đơn hàng giảm sút, lãi suất tăng cao, nợ đọng… “Ngấm đòn”, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã chứng kiến tình hình kinh doanh sa sút, nợ vay tăng vọt, phải thu quá lớn,… Kết quả kinh doanh của Hưng Thịnh Incons cũng không khấm khá là bao.

Riêng quý IV, doanh thu của Hưng Thịnh Incons sụt giảm 54%, còn 1.215 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm 80%; còn 37 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp chỉ còn 3%, giảm mạnh 4 điểm % so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý, doanh thu tài chính gần như đi ngang, đạt 20 tỷ đồng; trong khi chi phí tài chinh tăng 38%, đạt 65 tỷ đồng. Còn chi phí quản lý giảm 20%, còn 31 tỷ đồng.

Kết thúc quý IV/2022, Hưng Thịnh Incons chịu lỗ trước thuế 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 123 tỷ đồng; lỗ sau thuế 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 98 tỷ đồng.

HTN
Năm 2022, Hưng Thịnh Incons chứng kiến tình hình kinh doanh sa sút, chất lượng tài sản trở xấu. Ảnh minh hoạ

Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của Hưng Thịnh Incons giảm 11% so với năm trước, còn 5.464 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm 11%, còn 436 tỷ đồng. Biên lợi nhuận đạt 7,9%, không biến động.

Hoạt động tài chính mang về cho Hưng Thịnh Incons 74 tỷ đồng, giảm 21% so với năm trước. Tuy nhiên, đà tăng của các loại chi phí (chi phí tài chính 244 tỷ đồng, tăng 28%; chi phí quản lý 134 tỷ đồng, tăng 19%) đã bào mòn đáng kể lợi nhuận cuối cùng.

Kết quả, Hưng Thịnh Incons có lợi nhuận trước thuế 129 tỷ đồng, giảm 57%; lợi nhuận sau thuế 88 tỷ đồng, giảm 63% so với năm trước.

Năm 2022, Hưng Thịnh Incons đặt mục tiêu doanh thu 7.458 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 265 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới chỉ hoàn thành 73% mục tiêu doanh thu và 33% mục tiêu lợi nhuận.

Không chỉ kinh doanh sa sút, Hưng Thịnh Incons còn đang chứng kiến sự biến chuyển kém tích cực của tài chính.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HTN đạt 9.053 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong cơ cấu tài sản, đáng chú ý là sự sụt giảm mạnh của lượng tiền và tương đương tiền - giảm 80%, còn 83 tỷ đồng.

Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 17% lên 6.449 tỷ đồng; hàng tồn kho cũng tăng 54% lên 1.673 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng tồn kho và phải thu đạt 8.122 tỷ đồng, chiếm tới 90% tổng tài sản - mức đáng quan ngại về chất lượng tài sản.

Nợ phải trả tại ngày kết thúc quý IV/2022 đạt 7.563 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 2.537 tỷ đồng, tăng 29%.

Với vốn chủ sở hữu đạt 1.490 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của HTN lên tới 5,07 lần - mức báo động đỏ.

Dòng tiền kinh doanh năm 2022 của HTN âm 1.011 tỷ đồng (năm trước âm 218 tỷ đồng), chủ yếu do tăng các khoản phải thu (1.198 tỷ đồng), tăng hàng tồn kho (601 tỷ đồng), chi lãi vay và lãi hợp đồng hợp tác đầu tư (115 tỷ đồng).

Có thể thấy, chất lượng tài sản của HTN không thực sự tốt. Trong trường hợp tình hình kinh doanh không được cải thiện, thậm chí xấu hơn, những vấn đề tài sản sẽ càng trở nên nặng nề hơn, đe dọa đến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp này. Đặc biệt, nhiều chuyên gia dự báo ngành xây dựng năm 2023, đặc biệt nhóm xây dựng dân dụng vẫn tương đối khó khăn.

Chứng khoán VCBS đưa ra nhận định: " Nhóm xây dựng dân dụng (CTD, HBC, PHC, Ricons,…) - chủ yếu thi công các công trình chung cư, khu đô thị, tòa văn phòng, trung tâm thương mại, năm 2023 sẽ là một năm tương đối khó khăn. Trong năm 2023, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng dự báo vẫn ở mức thấp khi số dự án được cấp phép ở mức thấp, thị trường bất động sản đi vào giai đoạn trầm lắng cộng thêm nguồn vốn phát triển dự án của các chủ đầu tư bị thu hẹp do môi trường tín dụng thắt chặt và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp khó khăn hơn".

Yến Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán