Năm 2021, Yeah1 thoát lỗ nhờ “bán con”
Năm 2021, doanh thu của YEG đạt 1.125 tỷ đồng, giảm 8% so với năm trước đó. Khoản lợi nhuận quý IV/2021 giúp doanh nghiệp có lãi 28 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lỗ 170 tỷ đồng.
Trong quý IV/2021, Yeah1 liên tục công bố thông tin thoái vốn tại công ty con. Cụ thể, ngày 27/12, Công ty thực hiện chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Netlink Online Corporation và Công ty TNHH Truyền thông công nghệ Netlink Việt Nam với tổng giá trị chuyển nhượng không thấp hơn 270 tỷ đồng, ghi nhận khoản lãi tài chính 210 tỷ đồng. Ngày 31/12/2021, Yeah1 tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty cổ phần Yeah1 Edigital với giá trị 298 tỷ đồng, ghi nhận lãi 147 tỷ đồng…
Mới chỉ kỳ kế toán trước đó (quý III/2021), Công ty ghi nhận lỗ của cổ đông công ty mẹ là 258,9 tỷ đồng và tổng lỗ luỹ kế đến thời điểm 30/9/2021 là 246,1 tỷ đồng. Chính nhờ việc bán công ty con mà Yeah1 ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm 2021 là 281,3 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ quý IV là 275,6 tỷ đồng và lũy kế cả năm là 16,7 tỷ đồng.
Với kết quả này, Yeah1 đã thoát khỏi nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc (nếu lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là số âm trong ba năm liên tục), vì hai năm trước đó, 2019 và 2020 đều thua lỗ.
Đáng chú ý, khi xem xét báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý IV/2021 của Yeah 1, có thể thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm qua âm 64,57 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư dương 22,5 tỷ đồng và dòng tiền tài chính chỉ dương 10 tỷ đồng. Riêng đối với dòng tiền đầu tư, Công ty ghi nhận tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác là 35,1 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.
Trong khi đó, tại thời điểm cuối năm 2021, Công ty ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn khác là 753,2 tỷ đồng, tăng thêm 575,22 tỷ đồng so với cuối quý III. Công ty thuyết minh, chiếm chủ yếu trong số đó (518,22 tỷ đồng) là khoản phải thu thanh lý công ty con.
Như vậy, mặc dù ghi nhận doanh thu tài chính đột biến trong năm 2021 nhưng Yeah1 không xuất hiện dòng tiền và tăng khoản phải thu. Điều này cho thấy Công ty tiếp tục bán chịu công ty con cho đối tác để ghi nhận doanh thu tài chính đột biến.
Thực ra, việc bán công ty con của Yeah1 để tránh biến động báo cáo tài chính không phải là chuyện diễn ra lần đầu. Năm 2019, sau khi YouTube thông báo ngừng thoả thuận lưu trữ nội dung với SpringMe (công ty có trụ sở tại Thái Lan mà Yeah1 nắm 16,5% vốn điều lệ) cùng với các công ty khác thuộc sở hữu của Yeah1 như ScaleLab…, thay vì ghi nhận lỗ vào kỳ báo cáo khi xuất hiện dấu hiệu không chắc chắn về khả năng thu hồi, Yeah1 đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ 100% cổ phần ScaleLab cho Brener Pass Investment Corporation để ghi nhận lãi 8 tỷ đồng và thực hiện trích lập dự phòng 278,3 tỷ đồng khoản phải thu từ thoái vốn công ty con này.
Kể từ thời điểm xảy ra biến cố với YouTube, Yeah1 đã trải qua 3 năm liên tiếp hiệu quả của hoạt động kinh doanh cốt lõi suy giảm, với việc lỗ 385 tỷ đồng trong năm 2019 và lỗ 251 tỷ đồng trong năm 2020 và lỗ 258 tỷ đồng trong năm 2021. Biên lợi nhuận gộp của Công ty từ mức 34% trong năm 2018 đã suy giảm về 4,9% trong năm 2021.
Báo lỗ trong quý đầu năm 2022
Quý I/2022, YEG ghi nhận doanh thu đạt 67,5 tỷ đồng, giảm 76,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 0,84 tỷ đồng lỗ 52,52 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Cơ cấu lợi nhuận khác của YEG trong quý I/2022. |
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 68,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 26,09 tỷ đồng về 11,85 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 15,8%, tương ứng giảm 0,87 tỷ đồng về 4,65 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 71,5%, tương ứng giảm 56,84 tỷ đồng về 22,66 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 18,24 tỷ đồng lên 16,06 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2022, lợi nhuận cốt lõi tiếp tục âm 15,46 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 47,08 tỷ đồng.
Như vậy, trong kỳ lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Công ty chỉ thoát lỗ nhờ việc ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến.
Theo thuyết minh, trong quý I/2022, công ty ghi nhận thu nhập khác tăng đột biến do ghi nhận thu nhập từ kiện tụng pháp lý 17 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.
Xét về dòng tiền, trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính âm 158,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 0,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 273,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 111,9 tỷ đồng.
Được biết, kể từ khi niêm yết năm 2018 tới nay, chưa năm nào công ty tạo ra dòng tiền dương mà liên tục âm kéo dài. Cụ thể, năm 2018 âm 287 tỷ đồng, năm 2019 âm 41 tỷ đồng, năm 2020 âm 428 tỷ đồng và năm 2021 âm 88 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của YEG giảm 12% so với đầu năm về 1.208,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 777,7 tỷ đồng, chiếm 64,4% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 162,3 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 133,3 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản và các tài sản khác.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/4, cổ phiếu YEG tăng 100 đồng lên 18.700 đồng/cổ phiếu.
Đức Chiến
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|