Quy định và lộ trình giới hạn cấp tín dụng trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

(Banker.vn) Quy định giới hạn cấp tín dụng là biện pháp cần thiết nhằm hạn chế tình trạng tập trung cấp tín dụng với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan...
Lo “siết” giới hạn cấp tín dụng bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát cấp tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và các “sân sau” Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng (Luật số 32/2024/QH15) gồm 15 chương và 210 điều, tăng 5 chương và 47 điều so với Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành.

Trong đó, tập trung hoàn thiện các quy định, chính sách về: Tổ chức, quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của tổ chức tín dụng; ngăn ngừa, hạn chế thao túng, chi phối hoạt động của tổ chức tín dụng thông qua các quy định như: tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ đối với người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng; tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn đối với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng; mở rộng quy định người có liên quan của một số loại hình tổ chức tín dụng, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức của tổ chức tín dụng, giảm giới hạn cấp tín dụng theo lộ trình cụ thể; tăng cường công khai, minh bạch thông tin...

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định gì về giới hạn cấp tín dụng?
Từ ngày 1/1/2026 đến trước ngày 1/1/2027, giới hạn cấp tín dụng sẽ còn 13% vốn tự có đối với một khách hàng

Đáng chú ý, tại Điều 136 về giới hạn cấp tín dụng, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nêu rõ, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ sau: Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến trước ngày 1/1/2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

Từ ngày 1/1/2026 đến trước ngày 1/1/2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

Từ ngày 1/1/2027 đến trước ngày 1/1/2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

Từ ngày 1/1/2028 đến trước ngày 1/1/2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

Từ ngày 1/1/2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 136 không bao gồm khoản cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác không chịu rủi ro hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.

Bên cạnh đó, tổng mức dư nợ cấp tín dụng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này bao gồm cả tổng mức mua, nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu do khách hàng, người có liên quan của khách hàng đó phát hành.

Giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó vượt quá giới hạn cấp tín dụng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp tín dụng hợp vốn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu của một khách hàng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này đối với từng trường hợp cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này.

Tổng các khoản cấp tín dụng của một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 7 Điều này không được vượt quá bốn lần vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

Hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 134 và điểm đ khoản 1 Điều 135 của Luật này được thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần và các quy định khác về tổ chức, quản trị, điều hành tổ chức tín dụng, quy định về giới hạn cấp tín dụng là một biện pháp cần thiết nhằm hạn chế tình trạng tập trung cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan, cho vay “sân sau”, giúp phân tán rủi ro cho tổ chức tín dụng trong hoạt động và tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các khách hàng khác.

Đồng thời, nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Luật đã quy định rõ lộ trình giảm dần trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029. Việc quy định giới hạn cụ thể trong Luật là kế thừa từ Luật hiện hành, nhằm tạo cơ sở cho các tổ chức tín dụng có những bước điều chỉnh dần phù hợp.

Theo chuyên gia, với quy định mới, các tổ chức tín dụng sẽ phải đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro tập trung. Quy định này hướng tới giảm giới hạn cho vay đối với nhóm khách hàng liên quan, giúp cho hoạt động cho vay được phát triển bền vững hơn trong dài hạn.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương