Quy định mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng văn bản pháp luật

(Banker.vn) Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Quy định 178-QĐ/TW quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Mua tin chống tham nhũng: Tránh bị lợi dụng và cần cơ chế bảo mật thông tin Chủ tịch nước Tô Lâm: Bộ Công an tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng Các cơ quan kiểm toán tối cao có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng

Cụ thể, quy định này gồm 4 chương với 18 Điều, trong đó chương I có 4 Điều, chương II có 10 Điều, chương III có 2 Điều và chương IV có 2 Điều. Quy định này áp dụng đổi với cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo Ban Chấp hành Trung ương, nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, bao gồm:

Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Kết hợp đồng bộ, chặt chẽ các cơ chế, biện pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; chủ động phòng ngừa là chính; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; bảo vệ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quvền hạn của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật; không làm cản trở sự chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, dân chủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi trong công tác xây dựng pháp luật.

Bảo đảm sự giám sát, phản biện, tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội khác và Nhân dân theo quy định.

Về phương thức kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật Ban Chấp hành Trung ương cho hay, kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật được thực hiện thông qua các hoạt động sau đây:

Thứ nhất, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật.

Thứ hai, hoạt động kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông qua việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong công tác xây dựng pháp luật.

Thứ ba, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; hoạt động kiêm tra văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân.

Thứ tư, hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ của các cơ quan nhà nưóc có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật.

Thứ năm, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức xã hội khác, cơ quan báo chí và Nhân dân.

Thứ sáu, hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong công tác xây dựng pháp luật.

Ban Chấp hành Trung ương thông tin thêm, các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, bao gồm:

Thực hiện các hoạt động kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi. Thường xuyên giám sát, kiểm tra công tác xây dựng pháp luật, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật để phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật và kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định có liên quan; cụ thể hoá về đối tượng, phương thức tham gia phản biện, góp ý kiến xây dựng pháp luật.

Thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức; trách nhiệm giải trình; kiểm soát xung đột lợi ích; thực hiện quy tắc ứng xử; ứng dụng khoa học - công nghệ và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng khác trong cơ quan, tổ chức theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật bằng các biện pháp kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xây dựng pháp luật; xây dựng tổ chức bộ máy, bố trí kinh phí phù hợp cho công tác xây dựng pháp luật.

Về tổ chức thực hiện Ban Chấp hành Trung ương giao, cấp uỷ, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định này.

Ban Chấp hành Trung ương giao lưu ý, Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 27/6/2024. Đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Quy định này có hiệu lực thì xem xét xử lý theo Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và các văn bản khác có liên quan.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục