Quy định cụ thể loại thuốc được bán theo phương thức thương mại điện tử

(Banker.vn) Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể loại thuốc được bán lẻ và các loại thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử.
Xuất hiện thuốc kháng sinh Cefixime 200 giả trên thị trường Bộ Y tế: Địa phương phải linh hoạt trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế Làm sao để chấm dứt tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả?

Áp dụng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ để phát triển công nghiệp dược

Sáng 12/8/2024, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đối với chính sách của nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định cụ thể, làm rõ các chính sách và có chính sách đột phá để công nghiệp dược Việt Nam có thể trở thành nền công nghiệp mũi nhọn.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định những nguyên tắc chung trong chính sách của Nhà nước về dược tại Điều 7 sửa đổi; cụ thể lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp dược và các ưu đãi, hỗ trợ để phát triển công nghiệp dược tại Điều 8 sửa đổi; giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm triển khai thực hiện.

Tại Điều 7 sửa đổi, dự thảo Luật đã làm rõ hơn một số nội dung so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, cụ thể: Làm rõ nội hàm ưu tiên về các thủ tục hành chính trong cấp giấy đăng ký lưu hành và cấp phép nhập khẩu đối với một số đối tượng tại khoản 5; quy định về việc áp dụng các cơ chế ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ thuốc tại khoản 6; Bổ sung chính sách “xúc tiến thương mại để xuất khẩu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền” tại khoản 7.

Điều 8 quy định cụ thể các lĩnh vực ưu tiên được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trong đó quy định quy mô của dự án đầu tư trong một số lĩnh vực dược với vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư được áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt (tương tự quy mô áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thành lập mới các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã điều chỉnh tỷ lệ mà doanh nghiệp được trích tối đa tính trên thu nhập tính thuế hằng năm để lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là 15% và được thực hiện trong 10 năm; bổ sung cơ chế để kiểm soát việc lạm dụng hoặc sử dụng quỹ không đúng mục đích.

Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, dự thảo Luật đã bổ sung quy định việc sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 và Điều 17 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như thể hiện tại Điều 2 về sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật.

Quy định cụ thể về các biện pháp quản lý giá thuốc

Về kinh doanh chuỗi nhà thuốc, tiếp thu ý kiến đại biểu, để phân biệt với hình thức kinh doanh nhượng quyền, làm rõ điều kiện hoạt động, cách thức vận hành của chuỗi nhà thuốc, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Chỉnh sửa khái niệm “chuỗi nhà thuốc” tại khoản 49 Điều 2 sửa đổi, là “hệ thống các nhà thuốc hoạt động theo hệ thống quản lý chất lượng thống nhất dưới một nhãn hiệu của cùng một cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc”.

Bên cạnh đó, quy định cụ thể điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc tại điểm h khoản 1 Điều 33 sửa đổi và điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc, nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc tại Điều 17a.

Đặc biệt, quy định cụ thể hơn trách nhiệm và quyền của của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc và của nhà thuốc thuộc chuỗi tại Điều 47a. Trong đó, cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của các nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc (điểm đ khoản 2), đồng thời thông báo, cập nhật danh sách các nhà thuốc và người hành nghề trong chuỗi nhà thuốc đến cơ quan có thẩm quyền (điểm g khoản 2).

Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Quy định cụ thể loại thuốc được bán lẻ và và các loại thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 1a Điều 42 sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 17, 18 Điều 6 sửa đổi; quy định trách nhiệm bảo mật thông tin của người mua và giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc và tổ chức việc giao thuốc đến người mua tại điểm b và d khoản 4 Điều 42 sửa đổi.

Về quản lý giá thuốc, tiếp thu ý kiến đại biểu, thể hiện tính chất đặc thù trong quản lý giá thuốc, dự thảo Luật quy định về công bố giá bán buôn thuốc dự kiến thay cho thủ tục kê khai giá bán buôn thuốc, để tránh nhầm lẫn với biện pháp kê khai giá trong Luật Giá.

Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung giải thích từ ngữ “giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến”, “mặt hàng thuốc tương tự”, xác định rõ chủ thể thực hiện thủ tục, cơ quan tiếp nhận thủ tục tại các khoản 46, 47 và 48 Điều 2 sửa đổi; biện pháp khi phát hiện công bố giá cao bất hợp lý tại khoản 4 Điều 107 sửa đổi.

Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể hơn về biện pháp quản lý giá tại Điều 107 về các biện pháp quản lý giá thuốc, đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục