Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn hơn 7.400 tỷ đồng

(Banker.vn) Theo Bộ Tài chính, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tính đến hết ngày 30/6/2023 là 7.424,7 tỷ đồng.
Đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu Đại biểu Quốc hội lý giải lý do cần có Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong Luật Giá (sửa đổi)

Bộ Tài chính cho biết, tổng số trích Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu trong quý II/2023 (từ ngày 1/4/2023 đến hết ngày 30/6/2023) là 1.779,2 tỷ đồng.

Tổng số sử dụng Quỹ BOG xăng dầu trong quý II/2023 là 5,91 tỷ đồng.

Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý này là 3,23 tỷ đồng.

Lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong quý là 2,09 tỷ đồng.

Do số dư Quỹ BOG tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm ngoái (4.600 tỷ) và là mức cao nhất từ quý I/2021, nhà điều hành đã dừng trích lập vào quỹ này với các mặt hàng xăng, dầu từ đầu tháng 7 đến nay. Việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn hơn 7.400 tỷ đồng
Petrolimex là doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn giá cuối kỳ đến ngày 30/6/2023 cao nhất

Theo báo cáo chi tiết việc trích chi, sử dụng quỹ của 34 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu trong quý II/2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn giá cuối kỳ đến ngày 30/6/2023 cao nhất với hơn 3.198 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số dư quỹ.

Tiếp đến là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612,32 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức với hơn 468,34 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp với 454 tỷ đồng, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP với 397 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM với 333 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV - Tổng công ty xăng dầu Quân đội với 307 tỷ đồng…

Báo cáo ghi nhận 4 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Đứng đầu là Công ty Cổ phần xăng dầu Tân Nhật Minh với âm 32,2 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV Oil) với âm 22,4 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An với âm 12,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Petro Bình Minh với âm 4,1 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo, về tổng số tiền trích lập Quỹ bình ổn giá trong quý II/2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đứng đầu với hơn 736 tỷ đồng, tiếp đến là Tổng công ty Dầu Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV Oil) với 325,79 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn lại có tổng số tiền trích lập ở mức 2 con số.

4 doanh nghiệp không ghi nhận trích lập Quỹ bình ổn trong quý 2 gồm: Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát, Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH Trung Linh Phát.

Được biết, việc công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG xăng dầu được Bộ Tài chính thực hiện hàng quý.

Bộ Tài chính công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG xăng dầu nhằm tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 (sửa đổi, bổ sung) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Việc điều hành linh hoạt Quỹ BOG xăng dầu đã góp phần giảm đà tăng giá trong nước của mặt hàng này trong bối cảnh giá trên thế giới tăng cao.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 25 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, có 6 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương