Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống Quỹ tín dụng (Quỹ bảo toàn) đóng một vai trò quan trọng, bảo đảm cho các Quỹ tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả. Hệ thống cơ sở pháp lý tại Việt Nam quy định về hoạt động của Quỹ bảo toàn cũng đã được quan tâm điều chỉnh, bổ sung nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Quỹ trong thực tế triển khai hoạt động. Nhằm phát huy hơn nữa tầm quan trọng và ý nghĩa của Quỹ bảo toàn đối với hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), cũng như tăng cường vai trò điều tiết của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động của Quỹ bảo toàn, bằng phương pháp tổng hợp, bài viết trình bày một số quy định pháp lý cũng như kinh nghiệm triển khai hoạt động của những Quỹ, có chức năng tương tự tại một số quốc gia trên thế giới như Lithuania, Ireland, Jamaica.
Kinh nghiệm quốc tế
Quỹ bảo toàn hệ thống QTDND có tính chất tương tự với các Quỹ ổn định (Stabilisation Fund) của những Liên hiệp tín dụng. Quỹ ổn định được thành lập có thể là bắt buộc cũng có thể là tự nguyện từ các Liên hiệp tín dụng, cơ chế quản lý Quỹ, mục đích sử dụng Quỹ … cũng có những khác biệt ở những quốc gia khác nhau. Bài viết giới thiệu Quỹ ổn định của Lithuania, của Ireland và của Jamaica trong phần sau đây để có thể rút ra một số bài học cho hoạt động của Quỹ bảo toàn hệ thống QTDND Việt Nam.
Quỹ ổn định của Lithuania
Năm 1999, Hiệp hội các Liên hiệp tín dụng (ALCU-Association of Lithuanian Credit Unions) quyết định thành lập một trung tâm tài chính hỗ trợ các Liên hiệp tín dụng về vấn đề thanh khoản và cung cấp các khoản vay trong các trường hợp khẩn cấp. Trung tâm tài chính này được gọi là Liên hiệp tín dụng Trung ương (CCU - Central Credit Union) được thành lập bởi ít nhất 20 Liên hiệp tín dụng và Chính phủ Lithuania. CCU đầu tiên được Ngân hàng Trung ương cấp phép vào cuối năm 2002. CCU được xem như là một tổ chức tài chính hợp tác giữa các thành viên, cung cấp dịch vụ cho các Liên hiệp tín dụng. CCU được quản lý bởi Đại hội đồng thành viên. Đại hội thành viên sẽ bầu ra các cơ quan gồm Ban kiểm soát, Hội đồng quản trị, Ủy ban Quỹ ổn định và Trưởng ban kiểm toán nội bộ. CCU hoạt động có lợi nhuận và lợi nhuận phân bổ cuối năm cho các thành viên dưới hình thức tương tự như trong các Liên hiệp tín dụng, gồm cổ tức liên quan đến doanh thu và cổ tức liên quan đến vốn cổ phần.
Các chức năng chính của CCU theo quy định của Luật là:
- Thứ nhất, duy trì khả năng thanh toán của các Liên hiệp tín dụng. Để thực hiện chức năng này, CCU đã thành lập Quỹ ổn định (Stabilization Fund), và các liên hiệp tín dụng sẽ trả phí thường niên. Quỹ ổn định sử dụng trong trường hợp các Liên hiệp tín dụng thành viên mất khả năng thanh toán, có thể nhận tiền từ Quỹ ổn định dưới hình thức cho vay thứ cấp hoặc thông qua việc phân bổ vốn miễn phí, và khoản này phải được tính vào nguồn vốn dự trữ của liên hiệp tín dụng đó. Mọi Liên hiệp tín dụng có quyền nhận hỗ trợ từ Quỹ ổn định, nhưng CCU không có nghĩa vụ phải bù lại các tổn thất của liên hiệp tín dụng mất khả năng thanh toán.
- Thứ hai, duy trì tính thanh khoản của các liên hiệp tín dụng. Chức năng này cũng được đảm bảo bởi Quỹ ổn định. Các liên hiệp tín dụng có thể vay từ Quỹ ổn định nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản cho tổ chức.
- Thứ ba, giám sát hỗ trợ và theo dõi hoạt động của các liên hiệp tín dụng. Chức năng này sẽ được thực hiện bởi Hội đồng CCU do Đại hội đồng thành viên bầu ra. Hội đồng và Ủy ban Quỹ ổn định tổ chức giám sát liên tục các hoạt động của các liên hiệp tín dụng thành viên và đưa ra các khuyến nghị về cách giảm thiểu các rủi ro chính yếu.
- Thứ tư, trung tâm tài chính của các liên hiệp tín dụng. CCU cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính cho các liên hiệp tín dụng như nhận tiền gửi và các khoản phải hoàn trả, cho vay và chịu các rủi ro liên quan. Thông qua CCU, các liên hiệp tín dụng được kết nối với trung tâm thanh toán và bù trừ của Ngân hàng trung ương và Trung tâm được cấp quyền xử lý thẻ thanh toán.
- Thứ năm, cung cấp các hỗ trợ khác cho các liên hiệp tín dụng như quản lý rủi ro, hỗ trợ hệ thống IT, tiếp thị, đào tạo, tư vấn hoạt động kinh doanh chung.
Như vậy, một hoạt động quan trọng của CCU là hoạt động liên quan đến Quỹ ổn định. Quỹ ổn định được thành lập nhằm đảm bảo sự ổn định và liên tục cho hoạt động của các Liên hiệp tín dụng. Quỹ ổn định có chức năng là cơ quan cho vay cuối cùng nhằm khôi phục khả năng thanh toán, khả năng thanh khoản bị suy giảm của Liên hiệp tín dụng. Điều 22 Luật các Liên hiệp tín dụng năm 2000 về các điều kiện hỗ trợ thanh khoản cho các Liên hiệp tín dụng là thành viên của CCU quy định:
- Các Liên hiệp tín dụng phải đóng đầy đủ phí cho Quỹ ổn định trong vòng 1 năm.
- Thời hạn cho vay hỗ trợ thanh khoản cho các Liên hiệp tín dụng thành viên không quá 6 tháng. Thời hạn cho vay có thể được kéo dài, nhưng cũng không quá 6 tháng nữa. Quy định về điều kiện gia hạn và trả nợ, cũng như các biện pháp bảo đảm hoàn trả khoản vay theo hợp đồng đều phải được Hội đồng quản trị thông qua.
- Các Liên hiệp tín dụng chỉ được xem xét vay hỗ trợ thanh khoản khi Liên hiệp tín dụng đó có tỷ lệ thanh khoản dưới tỷ lệ quy định và có sự mất cân đối giữa tài sản với nợ phải trả. Đây là những trường hợp làm suy giảm khả năng các Liên hiệp tín dụng hoàn thành nghĩa vụ của nó một cách đầy đủ.
- Tổng các khoản vay được cung cấp để hỗ trợ thanh khoản cho một Liên hiệp tín dụng không được vượt quá 60% nợ phải trả của Liên hiệp tín dụng đó và không vượt quá 5% giá trị các Quỹ và các tài sản khác của Liên hiệp tín dụng trung ương – CCU.
- Khoản vay sẽ được gia hạn một lần hoặc nhiều lần tùy theo tình trạng sau vay của Liên hiệp tín dụng. Khi nộp đơn xin vay hỗ trợ thanh khoản, Liên hiệp tín dụng cũng phải đính kèm phương án hoàn trả khoản vay. Trong số các biện pháp hoàn trả nợ, có ít nhất 1 biện pháp được đảm bảo bằng trách nhiệm dân sự được quy định trong Bộ luật Dân sự của Cộng hòa Lithuania, để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ một cách tốt nhất.
- Quỹ ổn định có số dư không thấp hơn 1% tổng tài sản của tất cả các Liên hiệp thành viên trong CCU và không thấp hơn giá trị tài sản trung bình của một thành viên tại thời điểm cuối năm tài chính, là số tiền nhận được từ các thành viên của CCU chia cho giá trị tổng tài sản của tất các Liên hiệp tín dụng thành viên. Số tiền Quỹ ổn định sẽ được tính toán lại trong những khoảng thời gian cố định bởi Ủy ban Quỹ ổn định.
- Phí đóng vào Quỹ ổn định được tính vào chi phí hoạt động của Liên hiệp tín dụng.
- Quỹ ổn định ban đầu sẽ được hình thành từ tiền của Chính phủ Cộng hòa Lithuania - thành viên của Liên hiệp Tín dụng Trung ương – CCU hoặc một tổ chức được Tổ chức này ủy quyền và sẽ không phải hoàn trả. Số tiền đóng góp này không được nhỏ hơn 700.000 Litas.
- Các nguồn thu khác của Quỹ ổn định bao gồm:
+ Tỷ lệ đóng Quỹ được tính trên giá trị tổng tài sản của Liên hiệp tín dụng thành viên. Thủ tục và điều khoản đóng góp vào Quỹ ổn định sẽ do Ủy ban Quỹ ổn định quyết định.
+ Thu nhập nhận được từ việc đầu tư nguồn vốn tạm thời dư của Quỹ ổn định vào chứng khoán chính phủ Lithuania, chứng khoán của Ngân hàng Trung ương Lithuania, chứng khoán của chính phủ nước ngoài.
+ Đóng góp từ lợi nhuận của Liên hiệp tín dụng Trung ương – CCU với một tỷ lệ nhất định cho Quỹ ổn định.
+ Các nguồn vốn nhận được từ các Hiệp hội liên hiệp tín dụng, Quỹ tài trợ, Tổ chức tài chính quốc tế và các chương trình mục tiêu của Chính phủ;
+ Tài sản được tiếp quản từ các Liên hiệp tín dụng do các tổ chức này không thực hiện được các nghĩa vụ.
Quỹ ổn định của Jamaica
Liên hiệp tín dụng đầu tiên của Jamaica có tên là Liên hiệp tín dụng Clerks (The Clerks Credit Union) được thành lập vào năm 1941 với sứ mệnh chống lại sự đói nghèo và lạm dụng, đồng thời cho phép mọi người tiết kiệm và vay vốn với lãi suất hợp lý. Liên hiệp tín dụng Clerks chỉ tồn tại được vài năm, sau đó bị giải thể. Sau sự sụp đổ này, Liên đoàn Liên hiệp tín dụng hợp tác Jamaica (JCCUL - Jamaica Co-operative Credit Union League) đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sự ổn định và lành mạnh tài chính của các Liên hiệp tín dụng thành viên. Đến năm 1963, JCCUL đã thành lập Hiệp hội ổn định các Liên hiệp tín dụng, thành lập một Quỹ bảo vệ tiết kiệm (Savings protection Fund), được đóng góp hoàn toàn từ thu nhập của các Liên hiệp tín dụng thành viên. Quỹ bảo vệ tiết kiệm cung cấp sự đảm bảo cho các thành viên của nó khả năng được hỗ trợ tài chính khi Liên hiệp tín dụng mất khả năng thanh toán tiền gửi. Đồng thời, Hiệp hội ổn định giám sát hoạt động của các Liên hiệp tín dụng thành viên để kịp thời ngăn chặn sự sụp đổ của Liên hiệp tín dụng ngay từ đầu. Hiệp hội ổn định đã đóng cửa vào năm 1977 khi JCCUL thành lập Quỹ ổn định (Stabilisation Fund) hoạt động cho đến ngày nay.
Giống như Hiệp hội ổn định trước đây, Quỹ ổn định được thành lập nhằm bảo vệ sự an toàn cho các khoản tiết kiệm của khách hàng bằng cách đảm bảo sự ổn định tài chính của các Liên hiệp tín dụng. Về vai trò này, Quỹ ổn định hỗ trợ cùng với bảo hiểm tiền gửi trong việc hoàn trả các khoản tiết kiệm cho khách hàng khi Liên hiệp tín dụng phá sản. Tuy nhiên, ở đây hỗ trợ các khoản tiết kiệm của các thành viên thông qua sự ổn định chứ không phải thông qua các khoản chi trả sau khi Liên hiệp tín dụng vỡ nợ. Ngoài vai trò đảm bảo khoản tiết kiệm, Quỹ ổn định còn có một vai trò quan trọng hơn là hỗ trợ tài chính cho các Liên hiệp tín dụng gặp khó khăn thanh khoản. Mục đích là để đảm bảo rằng các Liên hiệp tín dụng vẫn là các tổ chức tài chính an toàn và lành mạnh.
Theo báo cáo của JCCUL, Quỹ ổn định được thành lập để cho phép Liên hiệp tín dụng đảm bảo các vấn đề sau:
(1) Đảm bảo hoàn trả số tiền đã đầu tư vào cổ phiếu hoặc tiền gửi với một tổ chức thành viên (Liên hiệp tín dụng), bao gồm cả cổ tức và tiền lãi các khoản tiền gửi tiết kiệm trong trường hợp Liên hiệp tín dụng đó gặp khó khăn thanh toán.
(2) Bảo vệ và ổn định các Liên hiệp tín dụng thành viên đang gặp khó khăn về tài chính bằng các khoản cho vay hoặc ứng trước có hoặc không có bảo đảm hoặc các khoản tài trợ khác.
(3) Thực hiện các hoạt động phòng ngừa cần thiết theo ý kiến của Hội đồng quản trị để ngăn chặn khó khăn tài chính của Liên hiệp tín dụng thành viên.
Muốn trở thành thành viên của JCCUL, các Liên hiệp tín dụng phải đáp ứng các điều kiện: (1) Tỷ lệ vốn trên tổng tài sản không thấp hơn 8%; (2) Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 5% dư nợ tín dụng; (3) Trích lập dự phòng nợ khó đòi theo yêu cầu: tỷ lệ dự phòng 100% cho các khoản vay quá hạn từ 360 ngày trở lên, 60% cho các khoản vay quá hạn từ 180 đến 360 ngày, 30% trên 90 đến 180 ngày và 10% từ 60 đến 90 ngày. Nếu Liên hiệp tín dụng không đáp ứng các yêu cầu về các tỷ lệ này, sẽ không được gia nhập JCCUL.
Nguồn vốn của Quỹ ổn định do các Liên hiệp tín dụng thành viên đóng góp. Khi một Liên hiệp tín dụng thành viên không thực hiện nghĩa vụ đóng góp của mình, sẽ bị JCCUL đình chỉ tư cách thành viên hoặc trục xuất khỏi Quỹ ổn định. Quỹ ổn định được luật Jamaica công nhận là một doanh nghiệp hợp tác, thuộc sở hữu của các Liên hiệp tín dụng thành viên, và JCCUL thay mặt các Liên hiệp tín dụng thành viên điều hành Quỹ ổn định. Nguyên tắc quản lý Quỹ phải được các đại biểu thông qua tại Đại hội thường niên JCCUL.
Mỗi năm JCCUL đều tiến hành đánh giá tất cả các Liên hiệp tín dụng thành viên để xác định tỷ lệ đóng phí vào Quỹ ổn định của mỗi Liên hiệp tín dụng thành viên, nhưng không vượt quá 0,35% tổng số tiền gửi và tiết kiệm của Liên hiệp tín dụng đó. Trong trường hợp số dư Quỹ bảo toàn dưới 1% tổng số tiền gửi và tiết kiệm của tất cả các Liên hiệp tín dụng thành viên, thì các thành viên cần phải đóng bổ sung, số tiền đóng bổ sung do JCCUL quyết định. Quỹ ổn định sẽ ngừng thu phí khi số tiền trong Quỹ bằng 3% tổng số tiền gửi và tiết kiệm của của tất cả các Liên hiệp tín dụng thành viên.
Quỹ ổn định của Ireland
Tại Ireland, các Liên hiệp tín dụng xây dựng một quỹ đảm bảo an toàn cho hệ thống Liên hiệp tín dụng. Cơ sở pháp lý đối với chương trình hỗ trợ ổn định được quy định trong Đạo luật 2012. Theo đó, hỗ trợ ổn định là hỗ trợ tài chính được cung cấp cho các liên hiệp tín dụng để khôi phục và tạo điều kiện duy trì các yêu cầu dự trữ của Liên hiệp tín dụng. Sự hỗ trợ này có thể bao gồm việc cung cấp tư vấn kỹ thuật và tài chính cho Liên hiệp tín dụng. Đạo luật 2012 cho phép Bộ trưởng Bộ Tài chính cung cấp hỗ trợ ổn định từ Quỹ Liên hiệp tín dụng cho một liên hiệp tín dụng với sự phê duyệt của Ngân hàng Trung ương, trong đó: (1) yêu cầu dự trữ theo quy định của Liên hiệp tín dụng bằng hoặc lớn hơn 7,5% và nhỏ hơn 10% tổng tài sản của Liên hiệp tín dụng; (2) theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương, Liên hiệp tín dụng đó có khả năng duy trì hoạt động như một Liên hiệp tín dụng; và (3) Quỹ liên hiệp tín dụng có đủ vốn để cung cấp hỗ trợ ổn định.
Các Liên hiệp tín dụng sẽ chịu một khoản phí đóng vào Quỹ ổn định. Ủy ban các Liên hiệp tín dụng đã quyết định ngân sách cho Quỹ ổn định được tài trợ hoàn toàn bởi chính các Liên hiệp tín dụng. Sau này, Quỹ ổn định sẽ nhận thêm các khoản lãi do các Liên hiệp hội tín dụng đã nhận hỗ trợ thanh toán. Tỷ lệ thu phí trong ba năm đầu tiên (2014, 2015 và 2016) được quy định ở mức 0,022% trên tổng tài sản của Liên hiệp tín dụng. Sau ba năm thực hiện, mức thu cho năm 2017 được quy định ở mức 0,017% tổng tài sản của một liên hiệp tín dụng và được duy trì trong năm 2018. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng tài sản của các liên hiệp tín dụng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quyết định giảm tỷ lệ thu xuống 0,0164% tổng tài sản, cho giai đoạn tính phí từ ngày 1/10/2019 đến ngày 30/9/2020. Mức phí cho Quỹ ổn định năm 2021 được xem xét, đánh giá sau Ngân hàng trung ương họp với các cơ quan có liên quan.
Cơ sở xác định phí dựa vào quy mô tổng tài sản của Liên hiệp tín dụng vào ngày 30/9/2019. Nếu Liên hiệp tín dụng không cung cấp cho Ngân hàng Trung ương báo cáo tổng tài sản và lợi nhuận của thời điểm 30/9/2019, khoản thu phí dựa trên tổng tài sản của Liên hiệp tín dụng vào thời điểm ngày 30/6/2019. Mức phí nộp năm 2014, 2015, 2016 ở mức 0,022%/năm/tổng tài sản; Năm 2017, 2018 là 0,017%/năm và năm 2019 là 0,0164%/năm.
Có 2 cơ quan tham gia quyết định sử dụng vốn từ Quỹ ổn định để hỗ trợ các Liên hiệp tín dụng, tùy theo quy mô tổng tài sản của Liên hiệp tín dụng xin hỗ trợ. Đối với Liên hiệp tín dụng có quy mô tổng tài sản dưới 100 triệu Euro, phương án hỗ trợ do Ngân hàng trung ương phê duyệt; Đối Liên hiệp tín dụng có tổng tài sản lớn hơn 100 triệu Euro, phương án hỗ trợ sẽ được Ngân hàng Trung ương đánh giá và đồng thời cần phải có sự chấp thuận của Ủy ban Liên minh Châu Âu. Sau khi phương án hỗ trợ được chấp thuận, Bộ Tài chính thực hiện chi hỗ trợ từ Quỹ ổn định.
Các khoản hỗ trợ từ Quỹ ổn định được Ủy ban Liên minh châu Âu phê duyệt đều có tính lãi. Lãi suất mà Liên hiệp tín dụng phải trả cho Quỹ ổn định được áp dụng như sau: đối với khoản hỗ trợ được hoàn trả trong vòng 5 năm, áp dụng lãi suất 5%/năm; đối với kỳ hạn trả nợ từ 5 đến 10 năm, lãi suất sẽ tăng sau 5 năm lên 6,25%/năm; đối với kỳ hạn trả nợ dài hơn 10 năm, tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng sau 10 năm lên 7,5%/năm. Việc tăng lãi suất theo cách này sẽ khuyến khích các liên hiệp tín dụng trả nợ càng nhanh càng tốt và do đó tránh được mức lãi suất cao hơn. Trong trường hợp Liên hiệp tín dụng không có đủ quỹ thặng dư để hoàn trả số tiền hỗ trợ đã thỏa thuận, vẫn có thể trả cổ tức danh nghĩa. Tuy nhiên, trong trường hợp này, mức cổ tức không được cao hơn 0,5% cổ phần của thành viên và tổng số cổ tức được trả không được cao hơn tổng số tiền hoàn trả cho Quỹ Liên hiệp tín dụng.
Quỹ bảo toàn và hệ thống cơ sở pháp lý tại Việt Nam về Quỹ bảo toàn
Khái niệm Quỹ bảo toàn
Ngày 21/4/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép triển khai trên toàn quốc Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND (gọi tắt là Quỹ bảo toàn) thông qua việc ban hành Thông tư số 03/2014/TT-NHNN. Theo văn bản của NHNN, Quỹ bảo toàn là một quỹ tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã (bao gồm Ngân hàng Hợp tác xã và các QTDND) do Ngân hàng hợp tác xã (HTX) lập trên cơ sở phí trích nộp của Ngân hàng Hợp tác xã và các QTDND thành viên, đặt tại Ngân hàng Hợp tác xã và do Ngân hàng hợp tác xã quản lý, sử dụng theo quy định của Thông tư và pháp luật có liên quan.
Hệ thống cơ sở pháp lý tại Việt Nam về Quỹ bảo toàn
Đến thời điểm hiện tại, Quỹ bảo toàn được điều tiết trực tiếp bởi các Thông tư và quy định sau:
- Thông tư số 03/2014/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND, có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2014.
- Thông tư số 06/2017/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND và Thông tư số 04/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về QTDND, có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2017.
- Thông tư số 14/2019/TT-NHNN ngày 30/8/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2019.
- Thông tư số 21/2019/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về Ngân hàng HTX, QTDND và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.
- Quyết định 87/2015/QĐ-NHHT ngày 27/5/2015 của của Ngân hàng HTX Việt Nam ban hành hệ thống xếp hạng nội bộ của Ngân hàng HTX Việt Nam.
- Quy chế 2095/QC-NHHT ngày 31/12/2019 của Ngân hàng HTX Việt Nam về quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Bảo đảm an toàn hệ thống QTDND.
Mục đích sử dụng Quỹ bảo toàn
Theo quy định, Quỹ bảo toàn được sử dụng cho các trường hợp sau:
- Khi QTDND gặp phải rủi ro phát sinh từ nguyên nhân bất khả kháng (thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, hỏa hoạn…) dẫn đến khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả thì có thể vay bù đắp từ Quỹ bảo toàn.
- Các QTDND kinh doanh bị lỗ, nhưng được đánh giá là có khả năng phục hồi, có thể được Quỹ bảo toàn hỗ trợ vay vốn.
- Quỹ bảo toàn hỗ trợ cho vay đáp ứng nhu cầu đầu tư nâng cao công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ … nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành tại các QTDND.
- Cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản đối với các QTDND có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước và sau khi có phương án cơ cấu được duyệt của NHNN.
Vai trò của Quỹ bảo toàn
Với mục đích sử dụng như trên, Quỹ bảo toàn có những vai trò chủ yếu sau:
- Thông qua hoạt động cho vay hỗ trợ có hoàn trả các QTDND gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả, để có thể khắc phục, trở lại hoạt động bình thường, Quỹ bảo toàn góp phần duy trì sự ổn định, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống QTDND nói riêng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung.
- Cơ chế hoạt động của Quỹ bảo toàn làm tăng cường tính liên kết hệ thống các QTDND, từ đó có thể trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao uy tín và vị thế của hệ thống QTDND trước thành viên cũng như các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
- Quỹ bảo toàn tạo ra cơ sở pháp lý mạnh mẽ để NHNN có thể giám sát chặt chẽ và phản ứng kịp thời trước những nguy cơ sụp đổ của một QTDND, đảm bảo an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng và cả nền kinh tế.
Tổ chức bộ máy và vận hành của Quỹ bảo toàn
Tổ chức bộ máy và vận hành của Quỹ bảo toàn được thực hiện theo Quyết định số 71/QĐNHHT ngày 4/4/2014 của Hội đồng quản trị về việc thành lập Ban quản lý quỹ bảo toàn; Quyết định số 132/QĐ-NHHT ngày 3/8/2015 của Hội đồng quản trị về việc bổ sung thành viên Ban quản lý Quỹ bảo toàn; và Quyết định số 86/QĐ-NHHT ngày 30/5/2018 về việc thành lập Ban quản lý Quỹ bảo toàn. Theo đó, Ban quản lý Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND gồm 7 thành viên, gồm 4 thành viên là đại diện của Ngân hàng HTX; 3 thành viên là đại diện QTDND.
Ban quản lý Quỹ bảo toàn có các quy chế làm việc riêng, quy định nội bộ, xây dựng hệ thống tài khoản, hình thành bảng cân đối tài khoản kế toán và mở tài khoản riêng đến từng QTDND tham gia Quỹ bảo toàn. Qua đó, việc theo dõi hoạt động của Quỹ bảo toàn, báo cáo tình hình và số liệu hoạt động lên Ngân hàng HTX, Ngân hàng Nhà nước và các thành viên rõ ràng, minh bạch theo đúng quy định. Việc quản lý điều hành Quỹ bảo toàn được thiết kế bộ máy hoạt động, hệ thống tài khoản và bảng cân đối tài khoản riêng rẽ, độc lập với hoạt động của Ngân hàng HTX. Điều đó đã nói lên tầm quan trọng của Quỹ bảo toàn và vai trò của Ngân hàng HTX trong việc đảm bảo sự ổn định trong hoạt động của hệ thống QTDND. Trong quá trình triển khai Thông tư 03, Ngân hàng HTX, các QTDND và Quỹ bảo toàn chịu sự kiểm tra, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp hành quy định theo các văn bản quy phạm pháp luật.
Kết luận và khuyến nghị
Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND Việt Nam chính thức hoạt động tính đến nay hơn 6 năm. Từ phản ánh của các QTDND cũng như kinh nghiệm hoạt động của các Quỹ ổn định trên thế giới, một số vấn đề sau cần được xem xét nhằm phát triển Quỹ bảo toàn lớn mạnh và hiệu quả:
- Tỷ lệ đóng Quỹ bảo toàn nên tính trên tổng tài sản vì mục tiêu quan trọng của Quỹ bảo toàn là bảo đảm an toàn về thanh khoản và thanh toán của hệ thống QTDND, mà đánh giá an toàn dựa vào giá trị tổng tài sản hơn là dư nợ tín dụng. Các Quỹ ổn định trên thế giới sử dụng tỷ lệ trên tổng tài sản khá nhiều.
- Tỷ lệ đóng Quỹ bảo toàn không nên tính theo phương pháp đồng hạng, mà nên dùng phương pháp phân biệt, theo hạng các của từng QTDND. Điều này sẽ công bằng và kích thích các QTDND hoạt động chủ động và an toàn.
- Tăng cường vai trò của Ban quản lý trong việc giám sát, điều hành, quyết định hỗ trợ, thẩm định, phê duyệt phương án vay hỗ trợ…
- Thời gian vay hỗ trợ nên ngắn, và được gia hạn nhiều lần. Điều này giúp giám sát và theo dõi khả năng khắc phục khó khăn của QTDND
Tài liệu tham khảo:
- Credit Union Stabilisation Scheme Review (October 2017), An Roinn Airgeadais Department of Finance (Government Buildings T:353 1 604 5626)
- Credit Unions’ System In Lithuania, Jurgita Liutvinskienė, Head of Marketing and Product Development Department, Lithuanian Central Credit Union, Savanoriu pr. 363-211, Kaunas, Lithuania
- Jones, P.A. 2010. “Stabilising British Credit Unions: A Research Study into the International Rationale and Design of Credit Union Stabilisation Programmes.” Research Report published by the Faculty of Health and Applied Social Sciences, Liverpool John Moores University.
- Luật các tổ chức tín dụng 2010
- Quy chế 2095/QC-NHHT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Ngân hàng HTX Việt Nam về quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Bảo đảm an toàn hệ thống Quỹ TDND
- Submission Of Stabilization Central Credit Union Of British Columbia In Response To Fia & Cuia Review - Initial Public Consultation Paper , September, 2015.
- The Stabilisation Scheme For Credit Unions, Questions & Answers (Ireland)
- Thông tư 21/2019/TT- NHNN ngày 14/11/2019 của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về ngân hàng Hợp tác xã, QTDND và Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 20 năm 2021
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|